GIỚI THIỆU CHUNG
Dầu thô là nguồn năng lượng không thể thiếu đối với mọi quốc gia, được sử dụng làm nguyên – nhiên liệu đầu vào trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế và hoạt động tiêu dùng. Dầu thô và các dẫn xuất của chúng như xăng, dầu diesel, … chiếm tới 33% tổng nguồn cung năng lượng toàn cầu, bên cạnh các nguồn năng lượng quan trọng khác như than đá, khí đốt.
Trong 3 năm trở lại đây, giá dầu đã ghi nhận hàng loạt các biến động rất mạnh, do tác động cả về mặt cung – cầu, yếu tố kinh tế vĩ mô và rủi ro địa chính trị. Trong giai đoạn này, đã có thời điểm giá dầu giảm xuống dưới -40 USD/thùng, và cũng có thời điểm giá tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, đạt mức 130 USD/thùng.
Đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019, đầu năm 2020, đã khiến cho nhiều nền kinh tế lớn nhỏ rơi vào tình trạng phong toả đồng loạt nhằm kiểm soát dịch bệnh, làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu.
Đứng trước tình thế này, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã liên tục cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, mức cắt giảm không theo kịp sự sụt giảm của nhu cầu toàn cầu, khiến giá tiếp đà lao dốc và có thời điểm rơi xuống mức âm.
Sang đến đầu năm 2021, cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine – sự kiện mang tính toàn cầu, kéo theo sự đối đầu giữa các nền kinh tế lớn có vai trò đặc biệt quan trọng trên thị trường dầu thô như Mỹ, châu Âu đối với Nga, đã làm thay đổi cán cân cung – cầu, đảo ngược dòng chảy thương mại dầu toàn cầu.
An ninh năng lượng bị đe doạ, giá nhiên liệu tăng cao kéo theo giá cả hàng hoá cũng liên tục leo thang. Trong khi, nhiều nền kinh tế lớn đặc biệt là Mỹ và châu Âu đã liên tục bơm tiền, kích thích tăng trưởng mạnh mẽ sau một giai đoạn chịu nhiều thiệt hại bởi dịch bệnh. Điều này đã kéo theo rủi ro lạm phát tăng vọt, buộc các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới phải vào cuộc.
Một loạt những tâm điểm có quy mô toàn thế giới, cùng hàng loạt những chính sách và sự điều tiết nền kinh tế vĩ mô, dẫn tới những thay đổi cốt lõi trong bài toán về tăng trưởng, lạm phát. Giá dầu cũng chịu ảnh hưởng đáng kể bởi những yếu tố này. Các biến động trên thị trường dầu thô trong khoảng 3 năm trở lại đây vẫn đang tạo ra ảnh hưởng lớn tới xu hướng giá dầu. Do đó, việc hiểu rõ các yếu tố lịch sử, kết hợp cùng những phân tích, đánh giá về tình hình kinh tế nói chung, cán cân cung – cầu trên thị trường, và các biến số khác ở thời điểm hiện tại sẽ là cơ sở lý luận vững chắc cho những dự đoán về biến động giá dầu giai đoạn tới.
DIỄN BIẾN GIÁ DẦU GIAI ĐOẠN 2020 – 2023
NĂM 2020
Đầu năm 2020 – cuối tháng 04/2020: “Cú sốc cầu” chưa từng có trong ngành dầu mỏ, giá dầu Mỹ lần đầu tiên xuống mức âm trong lịch sử
+ Vào năm 2020, nhu cầu dầu trên toàn thế giới giảm nhanh chóng khi các chính phủ đồng loạt đóng cửa các doanh nghiệp và hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19.
+ Một cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia đã nổ ra vào tháng 3 khi hai quốc gia không đạt được sự đồng thuận về mức sản xuất dầu.
Ủy ban kỹ thuật thuộc Liên minh OPEC+ khuyến nghị các nước tiếp tục cắt giảm sản lượng xuống 0.6 – 1 triệu thùng/ngày trong quý II.
Tuy nhiên, Nga không thông qua đề xuất trên của OPEC đã khiến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa OPEC và Nga, được ký kết năm 2017, chính thức kết thúc. Đáp trả động thái từ phía Nga, Saudi Arabia tuyên bố sẽ giảm mạnh giá bán và tăng sản lượng lên hơn 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4, bất chấp rủi ro tiêu thụ suy yếu do dịch bệnh.
+ Tình trạng dư thừa nguồn cung dầu đã dẫn đến sự sụt giảm chưa từng có của giá dầu, buộc giá hợp đồng tương lai của dầu ngọt nhẹ West Texas (WTI) giảm mạnh từ 18 USD/thùng xuống còn khoảng -40 USD/thùng. Giai đoạn tháng 05 – tháng 12: Giá dầu phục hồi do OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5, tháng 6. Mức cắt giảm sẽ được nới lỏng trong các tháng tiếp theo, với 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến tháng 12; 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 7/2021.
NĂM 2021
Tháng 1/2021 – Tháng 6/2021: OPEC+ tiếp tục thực hiện theo kế hoạch cắt giảm sản lượng, sự lạc quan về vaccine Covid-19 thúc đẩy thị trường dầu.
Tháng 8/2021: Siêu bão Ida đổ bộ vùng vịnh Mexico của Mỹ. Khoảng 79% hoạt động sản xuất dầu khí ngoài khơi ở khu vực này bị đình trệ và 79 giàn khoan dừng hoạt động sau khi cơn bão đổ bộ vào Mỹ trong ngày 29/8.
Tháng 11/2021: Biến chủng Covid-19 mới Omicron với tốc độ lây lan nhanh chóng, làm dấy lên lo ngại về một đợt dịch mới, giá dầu giảm.
NĂM 2022
Tháng 2/2022: Căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang với đỉnh điểm là việc Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine ngày 24/2 đã góp phần đẩy giá dầu thô tăng cao. Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới với với gần 30% sang thị trường Châu Âu.
Ngày 08/03/2022: Sự kết hợp giữa việc Nga xâm lược Ukraine, căng thẳng giữa Nga và các quốc gia như Mỹ, Châu Âu, cùng với lượng dự trữ dầu thô toàn cầu thấp đã đưa giá dầu vượt 130 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Mỹ chính thức cấm vận dầu Nga.
Ngày 31/03/2022: Mỹ cho biết sẽ cân nhắc mở kho dự trữ chiến lược (SPR) tương đương 180 triệu thùng từ tháng 05/2022, triển khai trong vòng 6 tháng.
Ngày 06/06/2022: Liên minh EU chính thức thông qua lệnh trừng phạt dầu Nga, sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2022.
Giữa tháng 06 – cuối tháng 09: Giá dầu lao dốc do chính sách Không Covid của Trung Quốc, lạm phát tại Mỹ đạt đỉnh 4 thập kỷ, lãi suất liên tục tăng mạnh làm gia tăng rủi ro suy thoái.
Tháng 10/2022: OPEC+ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Tóm lại, các sự kiện chính mang tính then chốt, vẫn ảnh hưởng tới giá dầu trong thời điểm hiện tại bao gồm: hệ luỵ từ giai đoạn dịch bệnh hoành hành tại Trung Quốc, dòng chảy dầu thô từ Nga sau xung đột tại Biển Đen, chính sách điều tiết thị trường của OPEC+, bức tranh lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ.

Ảnh 1: Diễn biến giá dầu thô WTI trong 3 năm
BỐI CẢNH HIỆN TẠI
Trong giai đoạn từ đầu năm 2023 đến nay, giá dầu đang cho thấy xu hướng chịu tác động đáng kể bởi các yếu tố vĩ mô. Thậm chí, các yếu tố này còn có xu hướng lấn át các thông tin về cung cầu.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong hơn 1 năm qua đã có tổng cộng 10 lần tăng lãi suất liên tiếp, hiên tại, mức lãi suất quỹ liên bang đã được đẩy lên vùng cao nhất kể từ năm 2008, đạt mức 5,0 – 5,25%.

Ảnh 2: Lãi suất các nền kinh tế lớn
Lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hiện cũng đã lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2008, đạt mức 3,75% và thị trường kỳ vọng sẽ còn những đợt tăng lãi suất tiếp theo trong giai đoạn tới. Lãi suất các nền kinh tế khác như Anh, Úc, Canada,… cũng liên tục tăng cao với mục tiêu chung hạ nhiệt lạm phát.
Điều này là một trong những nguyên nhân khiến lĩnh vực ngân hàng gặp nhiều thách thức về thanh khoản. Sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ như Sillicon Valley Bank (SVB), Signature Bank, SilverGate Bank của Mỹ, những khó khăn của Ngân hàng Credit Suisse (được mua lại bởi Ngân hàng UBS) hay Ngân hàng First Republic Bank (được mua lại bởi Ngân hàng JP Morgan) đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý đầu tư. Giá dầu cũng đã chịu sức ép bán mạnh trước rủi ro suy thoái kinh tế hạn chế nhu cầu tiêu thụ.
Hiện tại, chỉ số đo lường lĩnh vực ngân hàng của Mỹ đã rơi xuống vùng điểm thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Trong khi đó, nhu cầu trú ẩn của các nhà đầu tư đang có xu hướng tăng, biểu thị bởi đà tăng của giá vàng.

Ảnh 3: Mục tiêu cắt giảm sản lượng của OPEC+ tháng 5/2023
Các yếu tố vĩ mô có xu hướng lấn át lo ngại về sự thu hẹp của nguồn cung. Vào tháng 10/2022, nhóm OPEC cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày thực hiện tới cuối năm 2023. Sau đó, việc giá dầu liên tục gặp sức ép đầu năm 2023, đã khiến OPEC+ tiếp tục quyết định cắt giảm thêm khoảng 1,66 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm.
Giá dầu tăng vọt lên trên 80 USD/thùng sau thông báo này, nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng sau, giá dầu đã xoá bỏ mức tăng tăng tích luỹ này và thậm chí rơi xuống 64 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Như vậy, lo ngại suy thoái kinh tế đang tạo ra lực cản đáng kể tới triển vọng tiêu thụ và gây sức ép tới giá dầu, bất chấp nguồn cung thu hẹp.
Ngoài ra, sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc, đã không thể hỗ trợ cho giá dầu. Hoạt động của các nhà máy bất ngờ thu hẹp trong tháng 4 sau 3 tháng mở rộng hồi đầu năm. Xuất khẩu hàng hoá có sự phục hồi, nhưng nhập khẩu liên tục tăng trưởng âm trong 6 tháng liên tiếp. Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đã giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Ảnh 4: Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) Trung Quốc
Nguồn tham khảo: Cổng thông tin MXV.