Kết thúc phiên giao dịch thứ 6 ngày 14/10/2022. Hợp đồng tương lai Dầu thô WTI tháng 11 (CLX22) đã đóng cửa -3,48 (-3,91%) và xăng RBOB tháng 11 (RBX22) đóng cửa -7,25 (-2,68%) vì lo ngại suy thoái toàn cầu và nhu cầu dầu yếu, đặc biệt tại Trung Quốc, làm lu mờ hỗ trợ từ quyết định giảm mạnh sản lượng của OPEC+. Như vậy, dầu có thêm tuần lao dốc mạnh. Theo MarketWatch, trong 5 ngày qua, dầu WTI của Mỹ giảm khoảng 8,21%, dầu thô Brent chuẩn toàn cầu giảm 7,1%.
Lạm phát tại Mỹ vẫn ghi nhận mức cao, củng cố cho lo lắng lãi suất sẽ được duy trình thời gian dài với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang đẩy giá dầu lao dốc. Trên Reuters, các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng của đồng USD gây áp lực giảm giá đối với thị trường dầu mỏ.
Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây tiếp tục cảnh báo việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) giảm sản lượng đang tạo “tiềm ẩn rủi ro” đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng và an ninh năng lượng bị đe dọa. Trong khi OPEC+ cho rằng, việc cắt giảm sản lượng giúp giữ giá dầu không để lao dốc, thì IEA nhận định, việc giảm sản lượng của OPEC+ làm “lệch quỹ đạo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nguồn cung dầu trong tương lai”.
Đặc biệt, hành động này càng làm trầm trọng thêm biến động của thị trường và gia tăng nỗi lo ngại về an ninh năng lượng. Nhiều dự báo cho thấy, việc mạnh tay giảm nguồn cung của OPEC+ sẽ làm suy yếu khả năng bổ sung cho các kho dự trữ trong những tháng còn lại của năm 2022 và nửa đầu năm 2023.
Trên biểu đồ D1 ( 1 ngày/nến ) đường xu hướng tăng đã gãy; nến Heikin Ashi chuyển sang màu đỏ và đóng cửa dưới cả 3 EMA 14 – 28 – 57 ngày cho thấy xu hướng giảm được củng cố.
