- Bảng giá kim loại chìm trong sắc đỏ khi kết thúc tuần giao dịch 06 – 12/02. Với nhóm kim loại quý, giá bạc giảm mạnh 3.45% về 20.51 USD/once, giá bạch kim giảm 1.76% về 962.2 USD/ounce.
- Giá các mặt hàng kim loại quý chịu sức ép lớn trong tuần vừa qua, sau khi những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho thấy cơ quan này có thể sẽ tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ, và đưa lãi suất đỉnh lên mức 5.50 – 5.75%. Nhiều chuyên gia và tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs hay Black Rock dự báo Fed có thể đưa lãi suất lên mức 6%.
- Đồng USD tăng mạnh trong tuần vừa qua, và dòng tiền cũng rời khỏi các thị trường đầu tư tài chính, khi các tài sản đều bị lu mờ trước đà tăng và tính thanh khoản cao của đồng bạc xanh. Chỉ số Dollar Index đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 11 là 105.88 điểm.
- Trong các phiên cuối tuần, giá các mặt hàng kim loại quý hồi phục khi đồng USD suy yếu, sau khi các số liệu việc làm cho thấy thị trường lao động của Mỹ đã bớt nóng. Báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) cho thấy Mỹ có thêm 311,000 việc làm trong tháng 2, giảm so với 504,000 việc làm trong tháng 1 nhưng vẫn cao vượt kỳ vọng ở mức 215,000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3.6% từ 3.4% trong tháng 1 và tiền lương tăng 4.6% so với năm trước.
- Bên cạnh đó, giá bạc và bạch kim còn được hỗ trợ khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), một trong những ngân hàng lớn chuyên cung cấp khoản vay cho các startup và nhiều công ty đầu tư mạo hiểm, dừng hoạt động. Giới đầu tư tỏ ra lo ngại về việc áp lực lãi suất cao của Mỹ năm nay sẽ khiến cho nhiều tổ chức tài chính đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản. Lo ngại khủng hoảng lan rộng ở Mỹ khiến cho dòng tiền được phân bổ một phần trở lại các tài sản an toàn như bạc và bạch kim.
- Giá bạch kim giảm ít hơn giá bạc trong tuần vừa qua do những lo ngại về nguồn cung. Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới (WPIC), nguồn cung bạch kim trên toàn cầu sẽ bị giảm do sản lượng của các nhà sản xuất lớn như Nam Phi và Nga suy yếu, trong khi đó, nhu cầu công nghiệp trong năm 2023 dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục.
- Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giảm nhẹ 0.9% về 4.03 USD/pound, còn quặng sắt là kim loại duy nhất giữ được sắc xanh trong nhóm với mức tăng 2.7% lên 128.77 USD/tấn. Giá đồng và quặng sắt cũng chịu tác động tiêu cực từ những rủi ro vĩ mô, tuy nhiên những ảnh hưởng này không mạnh như đối với nhóm kim loại quý.
- Cả giá đồng và giá quặng sắt đều đang hình thành xu hướng đi ngang, phản ánh rõ sự lưỡng lự của các nhà đầu tư. Một mặt, giá vẫn được hỗ trợ nhờ những triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc. Mặt khác, do tình hình tiêu thụ thực tế vẫn yếu, cộng với việc những rủi ro về lãi suất và suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng, khiến cho giá đồng và quặng sắt ở trạng thái giằng co trong nhiều tuần và chưa thể bứt phá được.

Phòng phân tích và tin tức