- Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/02, duy nhất bạch kim là mặt hàng giữ được sắc xanh, trong khi toàn bộ các kim loại còn lại đều đồng loạt giảm giá. Nhóm kim loại quý ghi nhận những diễn biến có phần trái chiều khi giá bạc giảm 0.97% xuống 21.67 USD/ounce, trong khi bạch kim có phiên tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0.5% lên mức 953.3 USD/ounce.
- Thông điệp từ Biên bản họp của Cục Dự trữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp hồi đầu tháng 2 vừa qua nhìn chung đều cho thấy sự ủng hộ vững chắc rằng rủi ro lạm phát cao vẫn là “yếu tố chính” sẽ định hình chính sách tiền tệ và việc tăng lãi suất hơn nữa sẽ là cần thiết cho đến khi lạm phát về mức mục tiêu. Một vài thành viên cho biết họ muốn tăng 50 điểm cơ bản để thể hiện quyết tâm lớn hơn nữa trong việc kiểm soát giá cả leo thang. Những người tham gia thị trường tiền tệ kỳ vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh 5.35% vào tháng 7 và duy trì quanh mức đó cho đến cuối năm 2023, đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 2001. Lo ngại lãi suất vẫn còn dư địa tăng mạnh hơn kỳ vọng đã thúc đẩy xu hướng nắm giữ tiền mặt có tính thanh khoản cao. Đồng USD mạnh lên kéo chỉ số Dollar Index đóng cửa ở mức cao nhất kể từ 6/1, và gây sức ép tới giá bạc vốn nhạy cảm với biến động tiền tệ mạnh mẽ hơn giá bạch kim.
- Trái lại, giá bạch kim duy trì đà tăng tích cực trước những lo ngại nguồn cung ứng từ quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, Nam Phi khi rơi vào tình trạng mất điện trầm trọng ảnh hưởng tới hoạt động khai thác chế biến. Eskom, công ty cung cấp phần lớn năng lượng của Nam Phi lần đầu tiên đưa 7.000 megawatt ra khỏi lưới điện. Amplats, công ty khai thác bạch kim lớn nhất thế giới cũng đang nhận được nhiều yêu cầu cắt giảm mức sử dụng năng lượng hơn. Điều này đã gây ra những gián đoạn về nguồn cung và hỗ trợ cho đà tăng của giá kim loại này.
- Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng suy yếu trở lại sau phiên tăng mạnh trước đó với mức giảm 0.83% xuống 4.19 USD/pound. Đồng USD mạnh hơn đã đẩy đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tuần qua, khiến cho việc nhập khẩu của nhà tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới trở nên đắt đỏ và hạn chế nhu cầu, gây sức ép tới giá đồng. Trong khi đó, gián đoạn nguồn cung tại quốc gia khai thác đồng lớn thứ 2 trên thế giới Peru đang dần hạ nhiệt khi những người biểu tình tạm thời dỡ bỏ lệnh phong toả một đường cao tốc khai thác quan trọng ở miền Nam cũng thúc đẩy lực bán trên thị trường.
- Quặng sắt cũng ghi nhận phiên giảm 0.8% xuống còn 130 USD/tấn khi tình hình sản xuất thép vẫn còn khá yếu khiến nhu cầu quặng sắt chưa có sự bùng nổ đáng kể. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép toàn cầu trong tháng 1 giảm 3.3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 145.5 triệu tấn.

Phòng phân tích và tin tức