Lo ngại về nguồn cung hỗ trợ giá kim loại, sự cố điện tại Nam Phi củng cố sức mua cho giá bạch kim


  • Sắc xanh áp đảo trên bảng giá của nhóm kim loại trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2. Với nhóm kim loại quý, giá vàng tăng nhẹ 0.54% lên 1827.15 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1.44% lên 955.5 USD/ounce, và đều có phiên tăng thứ hai liên tiếp. Giá bạc chấm dứt chuỗi giảm bốn phiên liên tiếp với mức hồi phục 1.34% lên 21.07 USD/ounce.
  • Các mặt hàng kim loại quý đều nhận được sức mua tích cực trong phiên hôm qua, khi mà dòng tiền rời khỏi các thị trường đầu tư rủi ro, như thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường tiền điện tử. Những lo ngại về việc lãi suất cao sẽ làm cho nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn khiến cho các nhà đầu tư phân bổ dòng vốn sang các loại tài sản an toàn hơn như bạc, và bạch kim. Giá bạch kim hồi phục mạnh hơn giá bạc trong giai đoạn này bởi những lo ngại về gián đoạn nguồn cung tại nước sản xuất lớn nhất thế giới, Nam Phi.
  • Nước này đang trải qua tình trạng mất điện kéo dài do các nhà máy phát điện sử dụng than thường xuyên gặp sự cố. Theo trang tin Reuters, sản lượng bạch kim của Nam Phi có thể sụt giảm 15% trong năm nay. Công ty Anglo American Platinum, nhà sản xuất bạch kim lớn nhất thế giới, cũng cho biết các vấn đề về điện của nước này có thể làm giảm 5% sản lượng trong năm nay.
  • Rủi ro về nguồn cung của bạch kim càng gia tăng khi Nga cũng đang phải vật lộn để duy trì sản lượng, do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) cản trở nước này tiếp cận một số nguyên liệu trong chuỗi sản xuất.
  • Mặc dù vậy, sức mua của phiên hôm qua vẫn khiêm tốn, và chưa nói lên nhiều điều về triển vọng của thị trường kim loại quý. Cả giá bạc và giá bạch kim đều có hai tháng liên tiếp giảm.
  • Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng cũng hồi phục phiên thứ hai liên tiếp với mức tăng 1.96% lên 4.09 USD/pound. Dù nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn còn khá yếu, và phục hồi dưới mức kỳ vọng khi mà tồn kho trên Sở Giao dịch Thượng Hải đã tăng lên mức 140,809 tấn, nhưng nguồn cung ngoài Trung Quốc vẫn đang là nỗi lo đối với nhiều nhà đầu tư. S&P Global cũng tiến hành cắt giảm mức thặng dư đồng trong năm 2023 từ 202,325 tấn xuống còn 77,325 tấn trong bối cảnh hàng loạt các nhà máy lớn trên toàn cầu ngừng hoạt động để bảo trì.
  • Bên cạnh đó, không chỉ riêng nguồn cung tại hai nước xuất khẩu lớn là Chile và Peru liên tục bị gián đoạn do các bất ổn xã hội, mới đây, công ty khai thác Mopani cũng đã đình chỉ hoạt động một mỏ ở Zambia do các sự cố tai nạn lao động.
  • Lượng dự trữ đồng tại Sở LME đang ở mức thấp nhất trong vòng 18 năm, còn dự trữ trên Sở LME đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2015. Đà giảm của tồn kho trên hai Sở này hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
  • Giá quặng sắt tăng 1.08% lên 123.37 USD/tấn. Thực chất, giá quặng sắt vẫn đi ngang từ 120 – 127 USD trong suốt tháng hai, và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ bứt phá, bởi thị trường vẫn chờ đợi các tín hiệu tiêu thụ rõ ràng hơn từ Trung Quốc. Sức mua của phiên hôm qua cũng được thúc đẩy nhờ tâm lý lạc quan khi Công ty khai thác Vale của Brazil cho biết họ sẽ tăng sản lượng quặng sắt trong những năm tới do triển vọng nguồn cung eo hẹp.

image 2

Phòng phân tích và tin tức

Viết một bình luận

Liên hệ

Công ty CP Giao dịch Hàng hoá Đông Nam Á (SACT)

Thành viên kinh doanh chính thức của Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam (MXV)

Chung cư CT36A, Định Công Hạ, Hoàng Mai, Hà Nội

CN1: 25 Sunrise B, KĐT The Manor Center Park Nguyễn Xiển, P. Đại Kim, Q. Hoàng Mai, Hà Nội

024-7304-8884

support@hanghoaphaisinh.com