Logo SACT

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT – CÁNH TAY TRÁI TRONG ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH


“Phân tích kỹ thuật” là gì mà quan trọng với việc phân tích thị trường tài chính đến thế?

Trong việc đầu tư, việc chuẩn bị những kiến thức trước khi bước vào thị trường thì là một điều vô cùng quan trọng. Bạn không thể tham gia thị trường mà không có trong tay những kiến thức phân tích thị trường được, giống như bạn tham gia chiến trường mà không có áo giáp và vũ khí.

Và trong đầu tư, “áo giáp” và “vũ khí” chính là những kiến thức về phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật để giúp bạn chiến thắng được trong mỗi lần “lâm trận”. Đây chính là hai tư duy phân tích mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần phải có.

Trong chủ đề ngày hôm nay, quý anh chị đầu tư hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tư duy Phân tích kỹ thuật là gì mà nó quan trọng đến vậy trong đầu tư tài chính.

Nội dung chính

PHÂN TÍCH KỸ THUẬT LÀ GÌ?

Nguồn gốc của phân tích kỹ thuật

Bản chất, phân tích kỹ thuật là một cách tư duy phân tích được đúc kết từ những dữ liệu tài chính hàng trăm để đưa ra những nguyên lý chung cho những chuyển động của thị trường.

Một số yếu tố của phân tích kỹ thuật lần đầu được tìm thấy thông qua các tài khoản giao dịch hàng hoá của thương gia Joseph de la Vega có trụ sở tại Amsterdam về thị trường tài chính Hà Lan vào thế kỷ 17. Ở châu Á, phân tích kỹ thuật được cho là một phương pháp được phát triển bởi Homma Munehisa vào đầu thế kỷ 18 – người đã phát minh ra biểu đồ nến Nhật (thứ mà được coi là tiêu chuẩn hoá cho một biểu đồ kỹ thuật hiện nay).

Charles H. Dow - "Tổ nghề" của phân tích kỹ thuật
Charles H. Dow – “Tổ nghề” của phân tích kỹ thuật

Tuy đã có những bằng chứng xuất hiện từ lâu nhưng khái niệm “Phân tích kỹ thuật” thực sự được khai sinh là khi một nhà báo tên Charles Dow (1851-1902) đã tổng hợp và phân tích chặt chẽ dữ liệu thị trường chứng khoán Mỹ, và công bố một số kết luận của ông trong các bài xã luận cho The Wall Street Journal . Ông tin rằng các mẫu hình và chu kỳ kinh doanh có thể được tìm thấy trong dữ liệu này, khái niệm này sau này được gọi là ” lý thuyết Dow “. Tuy nhiên, bản thân Dow không bao giờ ủng hộ việc sử dụng ý tưởng của mình như một chiến lược kinh doanh cổ phiếu. Charles Dow được cho là đã tạo ra một dạng phân tích biểu đồ điểm và hình .

 Đến những năm 1920 và 1930, Richard W. Schabacker đã xuất bản một số cuốn sách tiếp nối công trình của Charles Dow và William Peter Hamilton trong cuốn sách “Lý thuyết và Thực hành Thị trường Chứng khoán và Phân tích Thị trường Kỹ thuật” . Năm 1948, Robert D. Edwards và John Magee xuất bản “Phân tích Kỹ thuật về Xu hướng Chứng khoán” , được nhiều người coi là một trong những công trình tiêu biểu của ngành này. Nó chỉ liên quan đến phân tích xu hướng và các mẫu biểu đồ và vẫn được sử dụng cho đến nay.

Những người tiên phong khác về kỹ thuật phân tích bao gồm Ralph Nelson Elliott , William Delbert Gann và Richard Wyckoff , những người đã phát triển các kỹ thuật tương ứng của họ vào đầu thế kỷ 20. Nhiều công cụ và lý thuyết kỹ thuật đã được phát triển và nâng cao trong những thập kỷ gần đây nhờ sự phát triển của công nghệ máy tính và internet. Trước đây, để có thể thực hiện việc phân tích kỹ thuật, bạn phải là những người hiểu về kinh tế – tài chính hoặc chuyên gia phân tích thì mới có thể tự vẽ những biểu đồ và phân tích chúng. Còn thời nay, các công cụ phân tích biểu đồ phát triển nhanh chóng và hầu hết bất cứ ai cũng có thể tiếp cận, nên trường phái phân tích này ngày nay càng phổ biến và phát triển với tốc độ nhanh hơn.

Sau này, tất cả những nghiên cứu và lý thuyết của những người đóng góp vào sự phát triển của trường phái phân tích này đều được tập hợp lại thành những kiến thức quan trọng mà một nhà phân tích theo trường phái phân tích kỹ thuật phải biết và nắm rõ.

Quan điểm của Phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản là hai khái niệm đối lập nhưng lại mang tính bổ sung lẫn nhau.

Nếu như đối với một nhà phân tích theo trường phái phân tích cơ bản, thì những yếu tố mà họ nghiên cứu sẽ là những yếu tố nội tại, tạo nên giá trị (cổ phiếu, hàng hoá, tiền tệ, nền kinh tế,….) rồi từ đó đưa ra những định giá, đánh giá thứ họ đang nghiên cứu là đắt hay rẻ, lí do sẽ khiến thứ đó tăng được giá trị trong tương lai là gì. Và những phân tích theo trường phái phân tích cơ bản có xu hướng được chứng minh trong dài hạn hơn là trong ngắn và trung hạn.

Quan điểm của phân tích kỹ thuật
Quan điểm của phân tích kỹ thuật

Đối với phân tích kỹ thuật thì ngược lại, yếu tố duy nhất họ quan tâm là “Giá” và chuyển động của “Giá”. Những nhà phân tích theo trường phái này quan niệm rằng: “Giá phản ánh mọi thứ (bao gồm tất cả những yếu tố mà phân tích cơ bản nghiên cứu và được phản ánh trực tiếp vào giá trên biểu đồ)”. Vậy nên, những mục tiêu nghiên cứu của trường phái này là giá trên biểu đồ và nguyên lý chuyển động của chúng.

Do đó, một nhà phân tích kỹ thuật sẽ nghiên cứu dữ liệu lịch sử của biểu đồ chứng khoán hoặc hàng hóa hơn là các động lực bên ngoài như các sự kiện kinh tế, cơ bản và tin tức. Người ta tin rằng hành động giá có xu hướng lặp lại do hành vi tập thể, theo khuôn mẫu của các nhà đầu tư. Có thể nói, phân tích kỹ thuật tập trung vào các xu hướng và điều kiện giá có thể xác định được.

Và bởi vì chỉ tập trung vào yếu tố “giá” cùng chuyển động của giá, nên những phân tích theo trường phái này thường sẽ có giá trị cao trong ngắn và trung hạn, còn trong dài hạn thì độ hiệu quả sẽ giảm đi nhiều vì nó sẽ liên quan đến các vấn đề về tâm lý (khi bạn hoàn toàn chỉ có thể dự đoán chứ không còn căn cứ nào khác mang tính logic khoa học thực tế để có thể tin vào và thực hiện việc nắm giữ lâu dài một tài sản tài chính nào đó, vì thị trường tài chính luôn có những sự dao động bất ngờ).

Những trường phái phân tích trong đầu tư tài chính

Có 2 trường phái phân tích chủ yếu được sử dụng bởi phần lớn các chuyên gia phân tích cũng như nhà đầu tư cá nhân hiện nay là Phân tích kỹ thuật Phân tích cơ bản.

Đối với hai trường phái khác nhau, thì quan điểm và tư duy của hai trường phái là hoàn toàn khác nhau, nhưng bản chất thì hai trường phái này bổ sung lẫn nhau.

Charles Dow (trái) và Benjamin Graham (phải) - 2 người đặt nền móng và đại diện cho 2 trường phái phân tích trong đầu tư
Charles Dow (trái) và Benjamin Graham (phải) – 2 người đặt nền móng và đại diện cho 2 trường phái phân tích trong đầu tư

Với Phân tích cơ bản: nhà phân tích sẽ chú trọng vào những yếu tố sẽ tạo nên kỳ vọng tăng hoặc giảm giá của đối tượng họ nghiên cứu (hàng hoá, chứng khoán, tiền tệ, thị trường) trong dài hạn, từ đó đưa ra các đánh giá, kỳ vọng trong tương lai để có chiến lược đầu tư. Với những nhà phân tích theo trường phái này, câu hỏi họ thường đặt ra chính là: đắt hay rẻ

Với Phân tích kỹ thuật: nhà phân tích sẽ chú trọng vào duy nhất giá cả và cách chuyển động của giá, từ đó họ đánh giá xu hướng của giá trong tương lai gần là tăng hay giảm dựa theo phân tích dữ liệu số lớn trong quá khứ. Vì với những nhà phân tích kỹ thuật thì họ quan điểm lịch sử sẽ luôn lặp lại. Câu hỏi mà nhà phân tích theo trường phái này đặt ra sẽ là: xu hướng của giá hiện tại là gì.

Những đối tượng nghiên cứu của PTKT

Như trong quan điểm của phân tích kỹ thuật, thì đối tượng nghiên cứu chính là “giá” và chuyển động của giá. Tuy nhiên để có thể nghiên cứu được 2 yếu tố này thì cần phải kết hợp các công cụ kỹ thuật trong việc nghiên cứu từ đó đưa ra được những kết luận, dự đoán. Những đối tượng mà phân tích kỹ thuật nghiên cứ chính là:

  • Biểu đồ giá
  • Xu hướng của giá (giá đang tăng hay giảm)
  • Nguyên lý chuyển động của giá (giá chuyển động thế nào)
  • Chu kỳ (giá chuyển động theo xu hướng trong bao lâu)
  • Mô hình giá (những mẫu hình quan trọng)
  • Những vùng giá quan trọng trong quá khứ (vùng nào thì phải chú ý khi giá có sự phản ứng)
  • Tâm lý đám đông ở mỗi giai đoạn xu hướng giá (đám đông hành động thế nào)

Điểm mạnh và điểm yếu của PTKT

Như mọi thứ trên đời, thì phân tích kỹ thuật cũng có những điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình.

ĐIỂM MẠNH:

  • Đánh giá được xu hướng của giá cả
  • Có thể xác định được cách chuyển động của giá để tính toán vùng mua – bán
  • Các công cụ phân tích kỹ thuật ngày nay được sử dụng phổ biến đến nỗi nhiều người tin rằng chúng đã tạo ra các quy tắc giao dịch tự hoàn thiện: Khi ngày càng có nhiều nhà giao dịch sử dụng các chỉ báo giống nhau để tìm các vùng giá quan trọng, thì sẽ có nhiều người mua và người bán tập trung xung quanh cùng một điểm, giá và các mô hình khả năng cao sẽ được lặp lại trong tương lai

ĐIỂM YẾU:

  • Bởi vì phân tích kỹ thuật khi bị lạm dụng quá mức nó sẽ giống một hành động “tiên tri” hay “đoán mò” (vì không dựa theo các căn cứ thực tế như phân tích cơ bản mà chỉ dựa vào nguồn thông tin duy nhất là biểu đồ thị giá), vậy nên trong nhiều trường hợp thị trường không thể đoán trước được, sự kiện diễn ra nằm ngoài dự đoán sẽ gây ra tâm lý xấu cho người đầu tư, dẫn đến những quyết định sai lầm. Việc có thể dự đoán được chính xác không có nghĩa rằng bạn có được một sự cam kết cho thành công cho phi vụ đầu tư của mình.
  • Nếu một đối tượng nghiên cứu mà không có đủ dữ liệu lịch sử lớn (tối thiểu 2-3 năm) thì những dự đoán sẽ mang tính “đoán mò” hơn là phân tích và đưa ra dự đoán chính xác.
  • Vì phân tích kỹ thuật sẽ cần sử dụng những chỉ báo đi kèm, nên những dự đoán có tính chất bị động nhiều hơn do phải chờ thị trường xác nhận.
  • Thực tế thì thị trường không lặp lại một cách chính xác HOÀN TOÀN những gì đã diễn ra trong lịch sử. Lấy ví dụ: năm 2007 – 2008 chỉ số VNINDEX giảm từ 1200 điểm về 232 điểm. Năm 2018 – 2019 (10 năm sau), cũng chạm đỉnh 1200 nhưng thị trường chỉ giảm về mức 600 điểm. Theo lý thuyết kinh tế học cơ bản nhất, thì mọi chủ thể trong một nền kinh tế hay cả một nền kinh tế, trong dài hạn vẫn sẽ tăng trưởng cho dù thời gian dài bao lâu hay trong quá trình tăng trưởng có biến động mạnh đến thế nào. Nếu lý thuyết lịch sử luôn lặp lại thì bản chất sẽ không có sự tăng trưởng mà chỉ có sự đứng im tại chỗ khi mọi thứ sẽ đều đạt đỉnh rồi quay về điểm xuất phát, về mặt logic thì sẽ bất hợp lý.
Diễn biến khác nhau giữa lịch sử và tương lai của chỉ số VNINDEX
Diễn biến khác nhau giữa lịch sử và tương lai của chỉ số VNINDEX

ỨNG DỤNG CỦA PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Các công cụ phân tích trong PTKT

Các công cụ phân tích trong phân tích kỹ thuật giúp cho nhà đầu tư có thể xác định được những yếu tố mà Phân tích kỹ thuật nghiên cứu, từ đó đưa ra những phân tích để nhà đầu tư có thể đưa ra những quyết định đầu tư.

Biểu đồ giá: Mọi phân tích của một nhà phân tích kỹ thuật đều thực hiện trên biểu đồ này. Nó là cơ sở để phân tích để đưa ra những quan điểm hay nhận định của người phân tích. Trong một biểu đồ giá sẽ bao gồm những yếu tố như: đường giá (update theo thời gian thực), các khung thời gian (tuỳ theo từng quan điểm đầu tư sẽ sử dụng các khung thời gian khác nhau sao cho phù hợp), có các công cụ phân tích tích hợp. Có nhiều loại biểu đồ giá trong phân tích kỹ thuật có thể kể đến như:

Biểu đồ Bars (biểu đồ thanh)

Biểu đồ Bars (biểu đồ thanh)

Biểu đồ Collums (biểu đồ cột)

Biểu đồ Collums (biểu đồ cột)

Biểu đồ Lines (biểu đồ đường giá)

Biểu đồ Lines (biểu đồ đường giá)

Biểu đồ Area (biểu đồ vùng)

Biểu đồ Area (biểu đồ vùng)

Biểu đồ High Low (biểu đồ giá cao – thấp)

Biểu đồ High Low (biểu đồ giá cao - thấp)

Biểu đồ Hollow Candles (biểu đồ nến Hollow)

Biểu đồ Hollow Candles (biểu đồ nến Hollow)

Biểu đồ Heiken Aishi

Biểu đồ Heiken Aishi

Biểu đồ Candlestick (biểu đồ nến Nhật)

Biểu đồ Candlestick (biểu đồ nến Nhật)

Ngoài ra còn nhiều loại biểu đồ khác nhau nhưng không quá phổ biến ở thời đại hiện nay. Trong các biểu đồ, thì biểu đồ nến Nhật được biết đến rộng rãi và ngày nay dường như được coi là biểu đồ tiêu chuẩn cho việc phân tích. Để hiểu rõ hơn về cách đọc biểu đồ giá, tìm hiểu thêm tại đây!

Các chỉ báo: đối với phân tích kỹ thuật thì những chỉ báo là những công cụ vô cùng quan trọng trong việc tính toán xu hướng và chuyển động của giá cả. Những chỉ báo này sinh ra ban đầu là do những người đóng góp trực tiếp cho ngành phân tích kỹ thuật, họ sáng tạo ra những phương pháp hay quan điểm phân tích riêng, rồi họ mã hoá chúng theo các phương trình toán học và máy tính, từ đó tạo ra các chỉ báo kỹ thuật. Vậy nên, với mỗi loại chỉ báo kỹ thuật, thì sẽ có những công thức cũng như phương pháp giao dịch riêng dành cho chúng. Có thể liệt kê ra những chỉ báo phổ biến được sử dụng hiện nay:

  • Đường trung bình trượt (Moving Average)
  • Chỉ số RSI
  • Chỉ số Khối lượng
  • Đường MACD
  • Chỉ báo Ichimoku
  • Bollinger Band
  • Chỉ báo Stochastic
  • Chỉ báo DMI
  • Chỉ báo Parabolic SAR

Ngoài ra còn nhiều loại chỉ báo khác nhau, tuy nhiên chúng tôi không khuyến khích nhà đầu tư học hay tìm hiểu tất cả các loại chỉ báo, mà chỉ nên nghiên cứu và theo đuổi một phương pháp nhất định, lựa chọn cho mình cách thức phân tích cùng chỉ báo phù hợp nhất để sử dụng trong việc đầu tư. Không có một phương pháp hay chỉ báo nào là “bất khả chiến bại, trăm trận trăm thắng” như những quảng cáo trên mạng bạn thường thấy. Trên thị trường có hàng trăm ngàn nhà đầu tư cá nhân giống bạn và có tư duy khác bạn, chỉ có phương pháp nào là phù hợp nhất với bản thân bạn và tư duy của bạn.

Các phương pháp Price Action: khác với chỉ số, khi mà hoàn toàn bị động và phải chờ đợi dữ liệu của thị trường, thì Price Action giúp nhà đầu tư dự đoán một cách chủ động thông qua việc sử dụng những công cụ vẽ, thước đo để dự đoán hướng di chuyển của giá trong tương lai mà không cần chờ những dữ liệu xác nhận từ thị trường. Dần theo thời gian thì những nhà phân tích kỹ thuật lựa chọn ưu tiên các phương pháp Price Action hơn là chỉ đơn giản sử dụng mỗi những chỉ báo, để tạo thêm sự chủ động cũng như dự đoán nhanh hơn so với các chỉ báo. Những phương pháp Price Action chủ yêu được sử dụng thời nay:

  • Đường xu hướng – Kênh xu hướng (Trend line – Channel)
  • Hỗ trợ – Kháng cự (Support – Resistance line)
  • Các thước Fibonacci
  • Các mô hình giá

Các bạn có thể nghe đến các cái tên như là Price Action – Pinbar, Price Action – Fakey, Price Action – Breakout,… nhưng tất cả những lý thuyết này đều chỉ là một phần nhỏ cùng mô hình cố định, các cách giao dịch cố định cho mỗi trường hợp chứ không mang tính chất tổng quát. Vậy nên để tìm hiểu sâu và chính xác nhất, hãy đọc thêm ở các mục chính của Price Action vừa được liệt kê ở trên.

Phân tích kỹ thuật ứng dụng trong thị trường nào?

Tuy hiện nay, trong lĩnh vực đầu tư tài chính thì bất kỳ thị trường nào cũng có thể áp dụng phân tích kỹ thuật. Từ thị trường chứng khoán, hàng hoá, forex hay thị trường mới như crypto. Tuy nhiên, chính vì điểm yếu của trường phái phân tích này, nên thường phân tích kỹ thuật được biết đến rộng rãi với những thị trường như hàng hoá, forex (đôi khi là crypto khi mà thị trường này đối với những nhà phân tích trường phái cơ bản không tin vào giá trị của nó vì nó không tồn tại giá trị cơ sở, nên việc phân tích duy nhất có thể mang tính dự đoán là phân tích kỹ thuật, nhưng vì thị trường này quá mới nên các dữ liệu lịch sử cũng không mang tính tham khảo cao, mọi thứ đều là lần đầu tiên nên những dự đoán cũng mang nhiều tính đoán mò hơn), còn trong thị trường mang nhiều tính đánh giá cơ sở như chứng khoán thì nhà phân tích thường dùng để dự đoán xu hướng cũng như những điểm mua bán. Không chỉ vậy, phân tích kỹ thuật khó có thể bổ sung yêu tố “niềm tin” khi nắm giữ một tài sản tài chính, nên ứng dụng hiệu quả nhất của phương pháp này chính là thị trường Hàng hoáForex.

LỜI KẾT

Qua chủ đề nay, quý anh chị đầu tư cần nắm rõ được: phân tích kỹ thuật là gì, đối tượng nghiên cứu của phân tích kỹ thuật, những công cụ và ứng dụng của chúng trong đầu tư tài chính thực chiến. Nếu anh chị muốn tìm hiểu sâu hơn về những kiến thức đầu tư, anh chị có thể tìm đọc thêm các bài viết khác của SACT trong chuyên mục SACT Academy.

Chúc quý nhà đầu tư luôn thành công và gặp nhiều may mắn trên con đường chinh phục thị trường tài chính.

Biên tập

Chế Linh

Viết một bình luận

Liên hệ

Công ty CP Giao dịch Hàng hoá Đông Nam Á (SACT)

Thành viên kinh doanh chính thức của Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam (MXV)

CT36A, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội.

024-7304-8884

support@hanghoaphaisinh.com