- Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/02, sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều, trong đó Robusta hồi phục nhờ số liệu xuất khẩu suy yếu của các nước sản xuất chính.
- Arabica có phiên giao dịch khá giằng co khi giá chỉ giảm nhẹ 0.08%. Tuy vậy đây vẫn là phiên giăm thứ 4 liên tiếp của mặt hàng này. Dollar Index hồi phục kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real tăng gần 0.7%, từ đó thúc đẩy nhu cầu bán hàng từ phía nông dân Brazil do chênh lệch tỷ giá. Dù vậy, giá cà phê giao ngay ở các nước xuất khẩu chính như Brazil và Colombia đang ở mức cao vẫn đang là nhân tố hỗ trợ giá giao dịch trên Sở ICE, hạn chế mức giảm của mặt hàng này.

- Ở chiều ngược lại Robusta quay đầu hồi phục với mức tăng 0.33% sau 3 phiên giảm liên tiếp. Theo ước tính từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), lũy kế xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 323,000 tấn cà phê, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, xuất khẩu cà phê trong tháng 01 tại Indonesia cũng chỉ đạt 15,006 tấn, giảm so với tháng 12/2022.
- Dự báo triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại Brazil trong niên vụ 2023/24, giúp xua tan những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung do việc sản lượng giảm tại Ấn Độ trước đó, đóng cửa giá giảm hơn 1%. Theo ước tính của Datagro, sản lượng đường ở Trung-Nam Brazil dự kiến sẽ tăng 13% lên 38 triệu tấn trong niên vụ tới. Cùng với đó, một chuyên gia của Raizen dự báo 48% sản lượng mía ở Trung Nam sẽ được sử dụng để sản xuất đường vào niên vụ 2023/24, cao hơn mức 46% hiện tại. Điều này có thể đưa đến 1 sản lượng đường lớn hơn trong niên vụ tới và gây sức ép đến giá.
- Dưới sức ép từ sự hồi phục của Dollar Index, giá bông ghi nhận mức giảm gần 1% trong phiên hôm qua. Dollar Index tăng, đồng nghĩa với việc đồng Dollar Mỹ trở nên mạnh hơn và giá bồng trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Điều này làm hạn chế lực mua trên thị trường, từ đó gây sức ép khiến giá giảm.
- Dầu cọ cũng quay đầu giảm mạnh trong phiên hôm qua, dù cho thị trường vẫn tồn tại những lo ngại rằng thời tiết bất lợi sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất dầu cọ của Indonesia và Malaysia. Theo một số thương nhân, sự chậm chạp trong hoạt động xuất khẩu tháng này của Malaysia là yếu tố “bearish” đối với giá dầu cọ trong phiên hôm nay. Công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong tháng 02 đạt 1.06 triệu tấn, giảm 0.4% so với mức 1.07 triệu tấn trong tháng trước. Bên cạnh đó, Hiệp hội các nhà máy sản xuất dầu cọ phía nam Peninsula ước tính rằng sản lượng dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 02 của mình đã tăng 17% so với cùng kỳ tháng trước. Điều này cũng đã góp phần gây sức ép lên giá dầu cọ.
Phòng phân tích và tin tức