- Kết thúc phiên giao dịch 02/03, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng cà phê tiếp tục diễn biến trái chiều.
- Arabica có phiên giao dịch khá biến động, đóng cửa giá vẫn giảm 0.74% và là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của mặt hàng này. Sự giằng co đến từ những tác động trái chiều của số liệu xuất khẩu trong tháng 02/2023 tại các nước xuất khẩu chính. Một mặt chịu sức ép khi xuất khẩu của Hoduras bất ngờ bật tăng mạnh 32% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 662,314 tấn, kết hợp với Dollar Index hồi phục, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real khởi sắc, từ đó kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân và gây sức ép khiến giá tiếp tục giảm. Mặt khác, số liệu xuất khẩu giảm mạnh 42% trong tháng 02 tại Brazil so với cùng kỳ năm 2022 cũng vẫn đưa đến những lo ngại nhất định về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hạn chế đà giảm của Arabica trong phiên hôm qua.

- Robusta cũng có phiên giao dịch giằng co, đóng cửa giá chỉ tăng nhẹ 0.14 %. Những lo ngại về vấn đê hạn chế bán hàng tại Việt Nam với số liệu xuất khẩu giảm trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái vẫn là yếu tố hỗ trợ giá trong thời gian qua.
- Đường thô quay đầu suy yếu với mức giảm 1.26 sau phiên tăng mạnh trước đó. Giá đường 11 trong những phiên gần đây diễn biến khá giằng co với các phiên tăng giảm đan xem nhau. Vấn đề nguồn cung chưa bấp bênh là nguyên nhân chính cho vấn đề này. Một phần thị trường vẫn lo ngại những thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu do việc Ấn Độ ngừng sản xuất sớm đã tạo ra những tác động “bullish” đến giá. Đồng thời, những dự báo triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại Brazil cũng đưa đến tâm lý bớt lo ngại hơn và kỳ vọng sự nới lỏng tại Brazil sẽ bù đắp sự thiếu hụt tại Ấn Độ và gây sức ép lên giá.
- Cùng chiều với đường thô, giá bông cũng ghi nhận mức giảm hơn 2% trước sức ép từ số liệu bán hàng giảm mạnh. Bán hàng ròng bông Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/02 giảm mạnh 60% so với tuần trước đó về mức 170,600 kiện thể hiện lực mua yếu đi, từ dó tạo áp lực khiến giá giảm. Bên cạnh đó, Dollar Index khởi sắc trở lại đồng nghĩa với việc đồng USD mạnh lên, khiến giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế lực mua trên thị trường và gây sức ép khiến giá giảm.
- Ở chiều ngược lại, giá dầu cọ tiếp tục bật tăng mạnh trong phiên hôm qua và đã có lúc chạm ngưỡng cao nhất kể từ đầu tháng 11/2022. Tuy vậy, đà tăng của giá đã bị thu hẹp đáng kể bởi lực bán chốt lời của các nhà đầu tư và giá đóng cửa với mức tăng 2.68%. Động lực tăng của giá trong phiên hôm nay chủ yếu đến từ sự suy yếu của đồng Ringgit, khi mà điều này giúp dầu cọ trở nên rẻ hơn đối với người mua nước ngoài. Bên cạnh đó, triển vọng nhập khẩu của Ấn Độ sẽ khởi sắc trong thời gian tới cũng góp phần hỗ trợ giá dầu cọ. Chính phủ Ấn Độ mới đây đã tuyên bố sẽ ngừng áp dụng chính sách nhập khẩu miễn thuế đối với dầu hướng dương kể từ 01/04. Việc đó sẽ giúp dầu cọ trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường nội địa của nước này và thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu.
Phòng phân tích và tin tức