Logo SACT

(094) 543 5430
support@hanghoaphaisinh.com

CT36A, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội

Tại sao Chỉ số lạm phát (CPI) của Mỹ ảnh hưởng mạnh tới các thị trường và là nguyên nhân giảm nhịp giao dịch trước thời gian công bố?


Dữ liệu về lạm phát CPI của Hoa Kỳ sẽ được công bố vào hôm nay 13/07, khoảng 12:30 chiều GMT (tức 19h30 tại VN).  

Tại sao CPI lại quan trọng? 

Nếu dữ liệu lạm phát tháng 6 được công bố sắp tới giảm thì thị trường có thể được cứu và có đà phục hồi. Ngược lại, nếu CPI tăng cao hơn nữa thì nó sẽ tác động xấu đến tất cả các thị trường và làm tâm lý nhà đầu tư trở nên bất ổn.

Báo cáo về chỉ số CPI Hoa Kỳ (Consumer Price Index: chỉ số đo lạm phát) của tháng 6 sẽ được công bố vào 19h30 tối nay (Theo giờ Việt Nam). Số ra lần này đặc biệt quan trọng vì là cuối quý 2 và ngay trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED)  về việc tăng lãi suất. Chính vì đợi “bom tấn” CPI mà toàn bộ thị trường chứng khoán gần như bất động, khối lượng giao dịch trên tất cả các sàn đều ở mức thấp nhất của tháng. Trước đó vào thứ 6 vừa rồi (08/07), báo cáo việc làm ở Mỹ được đưa ra với con số ấn tượng nhưng thị trường cũng chẳng phản ứng tích cực là bao và gần như “bất biến”. Điều này càng cho thấy chỉ số CPI sắp ra mới là yếu tố quyết định tất cả.

Nếu đang ở thời điểm của 2018 – 2019 chắc không có nhiều người nhắc tới lạm phát. Lúc đó lạm phát chỉ dao động trên dưới 2% hằng năm. Nhưng hiện tại thì rất khác, lạm phát đang ở mức cao kỷ lục 8.6%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đã tuyên bố rõ rằng ưu tiên của họ là tìm mọi cách để kìm hãm con số này. Cho nên, CPI sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến bước đi kế tiếp của FED về lãi suất, trong khi lãi suất lại có tác động mạnh lên các thị trường đầu tư.

image 56
Thay đổi phần trăm theo từng tháng của chỉ số CPI Hoa Kỳ kể từ tháng 5/2021 – 5/2022
Nguồn: Bureau of Labor Statistics
image 57
Chỉ số CPI Hoa Kỳ theo từng năm kể từ 1965
Nguồn: Bureau of Labor Statistics

Các yếu tố chính góp phần nên chỉ số CPI

Bất động sản có lẽ là thị trường có độ nhạy cảm cao nhất với sự thay đổi của lãi suất. Lĩnh vực này cũng chiếm một tỷ trọng rất lớn trong thang đo chỉ số CPI (khoảng 1/3). Nó như một mối quan hệ tay 3 lằng nhằng. Lấy ví dụ, lãi suất tăng liên tục từ đầu 2022, cùng khoảng thời gian ấy, chỉ số Mortgage Refi Index giảm 71.5%, Mortgage Purchase Index giảm 17.9%. Cho thấy lãi suất cao là rào cản lớn của hoạt động giao dịch trong thị trường này.

Ở chiều ngược lại, bất động sản chiếm 32.437% tỷ trọng trong thang đo lạm phát CPI, bao gồm: Rent (tiền thuê nhà) chiếm 7.275% và Owner’s Equivalent Rent (tiền thuê nhà giả định nếu chủ nhà trả tiền thuê cho chính họ) chiếm 23.782%. Do đó, tiền nhà hay tiền thuê nhà thay đổi sẽ tác động mạnh lên CPI. Nhiều nhà đầu tư đang hy vọng chỉ cần giá nhà không tăng trong vài tháng, thì có thể kéo CPI xuống đáng kể, từ đó “hy vọng” FED sẽ “nương tay” giảm cường độ tăng lãi suất so với hiện tại. Tuy nhiên, chỉ số về khả năng mua nhà của người Mỹ (Housing Affordability Index) giảm liên tục kể từ đầu năm, từ 145.4 xuống còn 102.5. Nên một điều chắc chắn là giá thuê nhà đang tăng khi phần lớn người dân không đủ khả năng mua nhà và họ sẽ phải tiếp tục đi thuê.

image 58
Biến động giá các thành phần trong chỉ số CPI hồi quý 1 năm 2022

Một danh mục khác cũng đóng góp tỷ trọng khá cao trong CPI là Energy (giá năng lượng) chiếm khoảng 8.255%. Số liệu tháng 5 cho thấy giá năng lượng vẫn tăng khoảng 6.1% so với tháng 4. Dữ liệu trong tháng 6 vẫn chỉ ra rằng chỉ số này tiếp tục tăng, nên nhiều khả năng CPI đợt này sẽ cho con số lạm phát về năng lượng cao hơn tháng 5. Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc giá dầu và khí đều giảm trong tháng 6 sao lại bảo tăng. Cách đo CPI là dựa trên giá trung bình của tháng, nên tuy tháng 6 vừa rồi giá giảm liên tục nhưng giá trung bình của tháng 6 vẫn cao hơn giá trung bình của tháng 5.

Lĩnh vực thực phẩm (FOOD) cũng chưa có sự sáng sủa, Chỉ số này chiếm 13.421% trong CPI nhưng ngành thực phẩm đang gặp khủng hoảng về nguồn cung phân bón (fertilizer) vì thiếu nguyên liệu khí đốt. Potassium nitrate (Kali Nitrat) dùng trong phân bón và bảo quản thực phẩm cũng gặp khủng hoảng nghiêm trọng vì lệ thuộc phần lớn vào xuất khẩu từ Nga. Do đó mà giá thực phẩm khả năng cao vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Tất cả những vấn đề trên đều là vấn đề của nguồn cung ứng (supply) và hậu cần (logistics) nên không thể giải quyết chỉ bằng cách tăng lãi suất, mà bản thân chúng cần thời gian để tự chữa lành. Nhưng FED vẫn quả quyết họ sẽ làm mọi cách để cứu vãn. Góc nhìn của FED là muốn tạo ra hiệu ứng “cảm giác nghèo” trong dân chúng. Khi lãi suất tăng, tài sản của người dân (nhà, chứng khoán, quỹ hưu trí …) sẽ giảm giá trị, qua đó người ta sẽ cảm thấy mình “đang nghèo đi” nên cần phải hạn chế chi tiêu, thắt lưng buộc bụng. Nhờ vậy làm giảm nhu cầu tiêu dùng và sẽ kéo giá cả hàng hoá xuống (trong kinh tế học gọi là hiệu ứng Wealth Effect Reverse). Chứ bản chất lãi suất không thể sửa những vấn đề về nguồn cung kể trên.

Dẫu sao, hy vọng lớn nhất của các nhà đầu tư là chỉ số CPI ra thứ 4 tuần này sẽ giảm đáng kể. Hy vọng này rất mong manh vì con số dự tính (forecast) đã là vào khoảng 8.8% (cao hơn so với tháng trước 8.6%). Để kìm hãm FED, chúng ta cần con số thấp hơn rất nhiều, ví dụ <8.4% nhưng khả năng này là rất thấp.

Trường hợp xấu nếu CPI ra còn cao hơn cả con số dự tính 8.8%, gần như chắc chắn thị trường sẽ sell-off, vì họ biết rằng FED sẽ không chần chừ và con số +0.75% lãi suất sẽ được đặt lên bàn trong lần họp kế tiếp ngày 27 tháng 7.

Chính vì vậy mà thị trường những ngày qua gần như nín thở chỉ để đợi “bom tấn” CPI. Ngoài ra, tuần này còn có báo cáo lợi nhuận (Earning Reports) của các ngân hàng lớn nên đó cũng là một yếu tố khiến các bên đầu tư chưa dám nhúc nhích.

Phòng phân tích & tin tức

Viết một bình luận

Liên hệ

Công ty CP Giao dịch Hàng hoá Đông Nam Á (SACT)

Thành viên kinh doanh chính thức của Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam (MXV)

Trụ sở chính: CT36A, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội.

Chi nhánh HN1: 25 Sunrise B , The Manor Central Park, Hoàng Mai, Hà Nội

024-7304-8884

support@hanghoaphaisinh.com