- Kết thúc tuần giao dịch 27/02 – 05/03, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều do tác động từ các thông tin cơ bản.
- Arabica quay đầu giảm sau 6 tuần tăng liên tiếp, đóng cửa tuần giá giảm hơn 5% về mức 177.85 cents/pound. Xuất khẩu trong tháng 2 tại Honduras, quốc gia sản xuất Arabica lớn thứ 4 thế giới tăng mạnh 32% so với cùng kỳ năm ngoái, bù đắp phần nào những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn do xuất khẩu giảm tại các nước cung ứng chính khác như Brazil. Đây cũng chính là nguyên nhân gây sức ép khiến giá giảm trong tuần qua.

- Cùng xu hướng giảm với Arabica, giá bông ghi nhận mức giảm gần 1% khi kết thúc tuần. Số liệu bán hàng ròng bông Mỹ trong báo cáo của USDA trong tuần qua bất ngờ giảm mạnh 60% so với tuần trước đó, về mức 170,600 kiện phần nào thể hiện việc lực mua đang yếu đi và không có sự nhất quán, từ đó gây sức ép khiến giá suy yếu. Dù vậy, Dollar Index suy yếu giúp giá bông Mỹ rẻ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó thúc đẩy nhu cầu mua hàng trở lại và hạn chế lực giảm của mặt hàng này trong tuần.
- Ở chiều ngược lại, Robusta hợp đồng tháng 05 nối dài đà tăng lên tuần thứ 9 liên tiếp, giúp giá duy trì ở mức cao nhất trong 5 tháng. Lũy kế xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ghi nhận mức giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái tiếp tục gây ra những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, từ đó hỗ trợ giá. Tuy vậy đà tăng cũng có sự điều chỉnh nhẹ lại so với tuần trước đó khi Indonesia bắt đầu thu hoạch và dự kiến sẽ bù đắp phần nào những lo ngại hiện tại.
- Sau 2 tuần có sự điều chỉnh giảm nhẹ, giá đường thô đã bật tăng trở lại trong tuần qua với mức tăng hơn 6%. Những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung do Ấn Độ, quốc gia cung ứng hàng đầu thế giới phải ngưng xuất khẩu do thiếu hụt nguồn cung mía, tiếp tục là nhân tố dẫn dắt giá khởi sắc. Bên cạnh đấy, giá dầu thô cũng tăng trở lại, kích thích các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol, gián tiếp khiến nguồn cung đường tại đây thu hẹp và những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung thên trầm trọng từ đó góp phần khiến giá bật tăng trở lại
- Với mức tăng 3.57%, dầu cọ ghi nhận tuần tăng thứu 4 liên tiếp. Nhu cầu về dầu cọ của Ấn Độ trong thời gian tới có thể tăng mạnh khi quốc gia này quyết định ngừng miễn thuế nhập khẩu dầu hướng dương, điều này giúp hỗ trợ giá dầu cọ tăng. Bên cạnh đó, vấn đề nguồn cung đang có dấu hiệu thu hẹp sau trận lũ vừa qua tại Malaysia cũng góp phần giúp giá tăng. Dự trữ dầu cọ của Malaysia vào cuối tháng 2 được dự báo sẽ giảm 2.7% so với tháng trước xuống còn 2.21 triệu tấn do sản lượng giảm xuống mức thấp nhất trong 1 năm.
Phòng phân tích và tin tức