Logo SACT

(094) 543 5430
support@hanghoaphaisinh.com

CT36A, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội

TỔNG HỢP TẤT CẢ NHỮNG NỘI DUNG TRONG HỢP ĐỒNG KỲ HẠN TIÊU CHUẨN


Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn (Futures Contract) là một trong những loại hợp đồng cơ bản và sử dụng phổ biến trong giao dịch hàng hóa. Không chỉ được tiêu chuẩn hóa rõ ràng, minh bạch về giá mà người mua và người bán còn dễ dàng thực hiện giao dịch ngược chiều với vị thế đã tạo ra trước đó. Vì vậy việc nghiên cứu và tìm hiểu về hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn là điều kiện cơ bản đối với các nhà đầu tư trước khi bước vào giao dịch hàng hóa.

Mức giá thể hiện rõ sự biến thiên và tính chất của thị trường qua thời gian. Mỗi khi chúng ta quan sát thị trường, sẽ xem xét các yếu tố về giá, nhưng giá sẽ có nhiều khái niệm. Khi giá được hình thành và ghi nhận từng lần, sẽ có giá mua và giá bán do các đối tượng khác nhau cụ thể hóa bằng lệnh giao dịch được ghi nhận trên thị trường. Vài giây hoặc vài phút sau, giá của mặt hàng đó lại có sự so sánh với thời gian trước, có thể bằng, cao hơn, hoặc thấp hơn. Cứ tiếp diễn như vậy, tập hợp diễn biến giao dịch và hàng nghìn, hàng triệu mức giá biến động trong một khoảng thời gian được quy định sẽ hình thành nên phiên giao dịch (trading session), dữ liệu khớp lệnh mà chúng ta có được là “thời gian và giá khớp” (time and sales).

Tập hợp các mức giá được ghi nhận lại bằng nhiều cách khác nhau, những dữ liệu này hình thành nên chỉ báo về hoạt động giao dịch và các xu hướng của thị trường.

MONTHLASTPRIOR SETTLEOPENHIGHLOW
MAY 2022792’0803’6800’0800’0784’2
JUL 2022786’4797’4796’2796’6776’4
SEP 2022744’0756’2754’4754’4735’6
DEC 2022723’0738’4736’4736’6715’0
MAR 2023727’0742’2738’0740’2719’0
MAY 2023727’4743’2737’6741’0720’0

Giá mở cửa (Open)

Giá mở cửa là giá đầu tiên được ghi nhận trên thị trường khi phiên giao dịch bắt đầu. Giá mở phiên thường là giá khớp lệnh trong đầu phiên hoặc trong một khoảng thời gian cố định như khoảng 30 giây đầu tiên giao dịch tùy thuộc vào quy định của từng thị trường cụ thể.

Giá cao nhất (High)

Giá cao nhất là giá cao nhất ghi nhận trong phiên giao dịch. Giá cao nhất thường được coi là giá khớp lệnh cao nhất của thị trường trong phiên. Giá cao nhất có thể là một trong những dữ liệu quan trọng để tính toán độ biến động trong ngày hoặc so sánh biên độ giao dịch giá thay đổi trong phiên tiếp theo.

Giá thấp nhất (Low)

Giá thấp nhất là giá khớp lệnh thấp nhất của thị trường trong phiên giao dịch

Giá khớp gần nhất (Last)

Giá khớp gần nhất là giá gần nhất vừa khớp lệnh trong khi thị trường đang giao dịch. Thông thường các giao dịch khi được đánh giá theo giá trị thị trường để định giá danh mục đầu tư sẽ dùng giá hiện thời. Nhưng khi thị trường đóng cửa, giá được tham khảo đa phần là giá thanh toán (Settlement Price) thay vì giá đóng cửa.

Giá đóng cửa (Close)

Giá đóng cửa là giá cuối cùng mà thị trường ghi nhận giao dịch trước khi đóng cửa phiên giao dịch.

Giá thanh toán (Settlement)

Giá thanh toán hay là giá thanh toán hàng ngày, được tính toán và báo cáo là một số duy nhất, sau khi thị trường đóng cửa một khoảng thời gian nhất định. Phụ thuộc vào chính sách của thị trường, giá thanh toán có thể được tính toán trong khoảng thời gian cuối phiên giao dịch (thường từ 30 giây đến 15 phút cuối phiên giao dịch) và kết hợp với giá của thị trường hô giá công khai (open outcry trading) nếu có. Phương thức để xác định giá thanh toán sẽ không giống nhau ở các thị trường. Giá thanh toán được sử dụng để đánh giá vị thế mở (Open position) vào cuối ngày; làm căn cứ tham khảo vào cuối ngày và tham khảo cho ngày tiếp theo; cũng như là các thông số quan trọng hình thành nên sao kê hàng ngày (Daily statement) xác định các nghĩa vụ thanh toán và ký quỹ của các đối tượng tham gia thị trường.

Mức thay đổi (Change)

Mức thay đổi được hiểu là sự so sánh giữa mức giá hiện tại so với giá thanh toán phiên hôm trước (Prior Settlement hoặc Yesterday Settlement). Nếu so sánh giá thanh toán ngày nhất định với giá thanh toán của phiên trước đó sẽ diễn giải thị trường đang tăng hay giảm. Đơn vị đo mức thay đổi giá có thể là phần trăm hoặc mức định lượng (dương hoặc âm).

Bước giá (Tick Size)

Tất cả các mức giá từ giá mở phiên (Open), giá cao nhất (High), giá thấp nhất (Low), giá khớp gần nhất (Last), giá đóng phiên (Close), giá thanh toán (Settle) hay mức thay đổi (Change), cũng như các giá khác được hình thành và xác định trong các giao dịch, giá chào mua, giá chào bán được niêm yết là bội số của các bước giá (tick size). Hay nói cách khác, bước giá là mức biến động giá tối thiểu của một công cụ giao dịch.

Thực tế các hợp đồng không tiêu chuẩn có thể giao dịch với khối lượng tùy ý và cũng có thể chốt giá đến các mức giá lẻ tùy ý. Tuy nhiên, với các hợp đồng phái sinh hàng hóa kỳ hạn tiêu chuẩn thì phải tuân theo đặc tả đầy đủ từ phẩm chất kỹ thuật cho đến các phương thức chào giá và độ lớn của bước giá. Các bước giá khác nhau ở từng hàng hóa tiêu chuẩn. Đơn vị bước giá trong giao dịch thường nhỏ hơn mức giao dịch thực tế song phương, một phần để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của thị trường đa đạng đối tượng giao dịch. Sử dụng phần chia nhỏ về giá trong giao dịch sẽ tạo điều kiện cho người mua và người bán có thể dễ dàng thực hiện giao dịch tất toán vị thế với chi phí nhỏ, điều này càng làm cho thanh khoản tăng lên.

Độ lớn hợp đồng (Contract Size)

Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn phản ánh mức định lượng của một hàng hóa, được nhắc đến với tên gọi độ lớn hợp đồng (contract size) và được đo lường bằng một đơn vị tấn tiêu chuẩn (metric ton), tấn nhỏ (short ton), tấn khô (dry ton), triệu đơn vị nhiệt Anh (MMbtu), mWh (Mega Watt – giờ)….Độ lớn hợp đồng của các mặt hàng cũng không giống nhau – có thể là 5,000 giạ, 40,000 pounds, 1,000 thùng,…đều được khởi sinh từ thực tế giao dịch thương mại hàng hóa vật chất. Độ lớn này thường nhắc đến với vai trò số nhân vì khi giá thay đổi bao nhiêu, nhân với độ lớn hợp đồng sẽ bằng với giá trị thay đổi của cả đơn vị hàng hóa (lot) đó.

Ví dụ:

Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Ngô có bước giá là 1/4 cents, đương $0.0025 trên 1 giạ (như chúng ta đã phân tích đặc tả hợp đồng ở Chương 3), nhân lên với 5,000 giạ là độ lớn hợp đồng bằng 1,250 cents hay $12.50 một hợp đồng, đó là giá trị của một bước giá.

Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn heo nạc và gia súc, bước giá là $0.0002591 trên pound – nhân với độ lớn hợp đồng là 40,000 pounds bằng $10.00 một hợp đồng, đó là giá trị của một bước giá.

Tương tự, hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Dầu mỏ có bước giá $0.01 trên thùng – nhân với độ lớn hợp đồng tiêu chuẩn là 1,000 thùng, tương đương với $10.00, như vậy giá biến động của một hợp đồng dầu là $10.00.

Quy tắc niêm yết giá của các hợp đồng ngũ cốc

Các bước giá của các hợp đồng như ngô, yến mạch, lúa mỳ và đậu tương từ thời xa xưa đã được đo đếm bằng 1/8 của cent. Những hợp đồng này đều là những hợp đồng lâu đời nhất được giao dịch tại Mỹ, từ những năm 1870, thời điểm sử dụng tín hiệu điện báo. Để giảm thiểu số lượng tín hiệu qua số lần bấm phím khi diễn tả một mức giá, người ta sử dụng phương pháp thu gọn, chỉ sử dụng tử số trong đối dấu phẩy trên đầu, dấu cách hoặc ký tự khác.

Ví dụ như 425’6 có nghĩa là 425 6/8 cents hay tương đương 425 3/4 hoặc 425.75.

Qua thời gian, các tử số lẻ như 1/8, 3/8, 5/8 và 7/8 bị loại bỏ, chỉ giữ lại các số chẵn như 2/8 4/8 6/8 và 0, và được đơn giản hóa bằng số viết tắt là 2’4’6 và 0. Việc áp dụng này được thực hiện rộng rãi với mặt hàng đậu tương từ những năm 1930.

Trong thực tế, không chỉ có các thị trường quốc tế sử dụng các cách niêm yết giá thu gọn như vậy, mà nó cũng được áp dụng đối với một số lĩnh vực ở Việt Nam. Như thị trường kinh doanh vàng miếng và ngoại tệ trong nước, khi được hỏi giá “nhẹ”, một từ lóng trong giới kinh doanh khi hỏi về tỷ giá USD/VND tham khảo, thì câu trả lời là 10/25 và cúp máy. Đó là quy tắc ngầm về việc chỉ sử dụng 2 chữ số cho giao dịch thay vì phải đọc đầy đủ để tiết kiệm thời gian. Với các nhà giao dịch chuyên nghiệp đều hiểu rõ thực tế giá đang được tham khảo là mua vào 22910/ bán ra 22925. Hoặc khi câu trả lời là 90/00 thì có thể khả năng giá đã được thay đổi thành mua vào 22990/ bán ra 23000.

Mã hàng hóa và Tháng kỳ hạn (Commodity Codes and Month Codes)

Một trong những nỗ lực khác để làm giảm thiểu các lần bấm phím trong điện báo, cũng như giản lược số liệu, tên của hàng hóa cũng được sử dụng các ký tự và biểu tượng đặc biệt. Ví dụ ZWA thì W là Wheat; QO thì O là Oil. Các tháng kỳ hạn thì được viết tắt bởi 1 ký tự như bảng dưới đây:

Tháng kỳ hạnTháng kỳ hạn
FJanuary – Tháng 1NJuly – Tháng 7
GFebruary – Tháng 2QAugust – Tháng 8
HMarch – Tháng 3USeptember – Tháng 9
JApril – Tháng 4VOctober – Tháng 10
KMay – Tháng 5XNovember – Tháng 11
MJune – Tháng 6ZDecember – Tháng 12

Khi kết hợp giữa tên viết tắt của mã hàng hóa và tháng kỳ hạn, chúng ta có một hợp đồng kỳ hạn. Trong giao dịch, khi nhắc đến hàng hóa có nghĩa là chúng ta lựa chọn hàng hóa để giao dịch phòng vệ giá hoặc đầu tư. Nhưng khi thực hiện lệnh giao dịch thì cần chọn chính xác hợp đồng giao dịch, hay nói cách khác là lựa chọn hợp đồng giao dịch có kỳ hạn/ tháng đáo hạn phù hợp.

Ví dụ: Hiện tại là tháng 5/2022, nhà phòng vệ giá chốt đơn hàng và muốn phòng vệ cho cà phê Robusta giao tháng 11/2022. Như vậy về cơ bản, nhà phòng vệ cần lựa chọn hợp đồng kỳ hạn đáo hạn vào tháng 11/2022 như trong hợp đồng xuất nhập khẩu đã ký, giá cà phê chốt sẽ bằng giá trên thị trường kỳ hạn tháng 11/2022 + chênh lệch giá cố định.

Còn đối với nhà đầu tư thì tháng 5/2022 trùng với tháng của hợp đồng đáo hạn cùng tháng, khi đó không có giao dịch và không có thanh khoản do đã sát hoặc đã qua ngày giao dịch cuối cùng của thị trường. Sự lựa chọn của nhà đầu tư sẽ là tìm đến các tháng có đáo hạn gần nhất như tháng 7,9,11, thường sẽ lựa chọn các tháng 7, 9 để giao dịch vì thanh khoản của 2 kỳ hạn liền kề với tháng đáo hạn thông thường bao giờ cũng là cao nhất.

Trước đây, các hợp đồng không nhiều, chỉ sử dụng 1 chữ hoặc 1 ký tự nhưng sau đó tăng lên 2 chữ/2 ký tự. Càng ngày càng nhiều hàng hóa được giao dịch và con số này tăng lên đến 3 chữ số để đủ khả năng biểu đạt cho bất kỳ hàng hóa nào đang giao dịch. Để thống nhất phương pháp biểu đạt chính xác một hợp đồng, thông lệ quốc tế như sau:

Mã hợp đồng = Mã hàng hóa + Tháng đáo hạn

CLEK22 = CLE(Mã dầu thô WTI giao dịch 4 dấu thô WTI giao saudara tháng 5/ 2022) + K22 (đáo hạn tháng 5/2022)

Dù cho dạng điện báo đã được thay thế từ lâu, nhưng các quy tắc niêm yết giá cũng như ký hiệu hợp đồng vẫn đang được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Đáo hạn của hợp đồng (Contract Expiration) 

Một trong những câu hỏi lớn mà các nhà giao dịch đặt ra hoặc những người mới bước vào lĩnh vực giao hàng vật chất chưa có kinh nghiệm đều hỏi: Tại sao phải có nhiều tháng kỳ hạn thế? Tại sao hợp đồng lại có đáo hạn?

Tại sao cần đáo hạn hợp đồng?

Hàng hóa, đặc biệt là nông sản, về mặt vật chất, có thể được bảo quản và lưu giữ lâu. Nhưng về mặt chất lượng và giá trị vô hình, phẩm chất của hàng hóa chỉ đạt mức độ cao nhất trong một biên độ trong 1 thời gian nhất định. Nếu kéo dài quá thời hạn trên có thể bị hư hại, kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn lưu thông hoặc không thể đo đếm định giá được sự tiêu hao chất lượng.

Như cà phê chỉ niêm yết trong 24-27 tháng trở lại, không niêm yết dài hơn thời gian này. Trong hơn 02 năm niêm yết đó chia làm nhiều thời gian đáo hạn khác nhau cũng vì nhiều lý do. Lí do kể đến như hàng hóa được giao vào tháng 5/2023 không thể có chất lượng tốt bằng chính hàng hóa đó vào tháng 5/2022. Chưa kể, có thể đợt hàng gieo trồng và nhập kho trong khoảng niên vụ 2021-2022 có giá trị cao hơn hẳn năm 2023, ví dụ khi xảy ra nhiều đợt dịch bệnh và thời tiết xấu khiến cho việc thu hoạch phải thực hiện sớm, chất lượng hạt lép, hạt kém, hạt bị sâu bệnh nhiều. Bên cạnh đó, yếu tố mùa vụ khiến cho cung – cầu ở các thời điểm khác nhau không giống nhau. Một hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn là cần thiết, vì các hàng hóa tiêu chuẩn này đều là những hàng hóa được tiêu thụ và ưa chuộng trên toàn cầu. Những hàng hóa này phải mất thời gian vận chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác, chủ yếu bằng đường biển. Tuy mất rất nhiều thời gian nhưng đó là sự lựa chọn phù hợp và phổ thông vì mức chi phí rẻ nhất.

Về mặt lý thuyết, các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn là các thỏa thuận có tính pháp lý ràng buộc, giống như mọi thỏa thuận hợp đồng khác song phương, khi đến ngày hiệu lực (effective date), hợp đồng sẽ có một ngày đáo hạn được quy định chi tiết bởi sở giao dịch hàng hóa. Hay nói cách khác, đáo hạn ngày, tháng đó có nghĩa là người mua và người bán không thể giữ hợp đồng kỳ hạn đó mãi. Hợp đồng phải được thực hiện hoặc hoàn thành nghĩa vụ hoặc được thỏa thuận thanh lý theo các cách khác nhau.

  • Cách một: Trước hoặc trong ngày giao dịch cuối cùng một hợp đồng kỳ hạn sẽ chuyển thành một nghĩa vụ pháp lý chuyển đến cho người bán phải thực hiện và chuyển giao hàng hóa được quy định trong hợp đồng, còn người mua sẽ bị chỉ định vào danh sách mua hàng và phải nộp bổ sung tiền (ngoài số tiền ký quỹ ban đầu để sở hữu vị thế đó) theo quy định để có thể chi trả đầy đủ tiền mua hàng hóa đó.
  • Cách hai: Để tránh các nghĩa vụ giao hàng vật chất hoặc nhận hàng vật chất, giao dịch mua hoặc giao dịch bán có thể thanh lý hoặc tất toán (liquidate) các kỳ hạn/ các vị thế đang nắm giữ. Thay vì cam kết bán hàng trong tương lai, người bán “mua lại” hợp đồng kỳ hạn, và ngược lại, để tránh cam kết mua hàng hóa vật chất, người mua “bán lại” hợp đồng kỳ hạn để đưa vị thế sở hữu về mức 0. Sự khác biệt giữa giá bán và giá mua tạo ra lợi nhuận hoặc khoản thua lỗ cho các 1 bên tham gia giao dịch. Ngoài ra, người mua/người bán có thể tất toán vị thế đối với hợp đồng sắp đáo hạn và khởi tạo vị thế tương tự đối với hợp đồng có kỳ hạn xa hơn.

Ngoài ra, một cách khác để hợp đồng kỳ hạn giống như các dạng hợp đồng pháp lý là hợp đồng kỳ hạn không tồn tại trước khi người mua và người bán đồng ý giao kết hợp đồng. Bên cạnh đó, hợp đồng kỳ hạn không tồn tại sau khi hợp đồng hết hạn hoặc sau khi người mua và người bán thực hiện tất toán vị thế họ nắm giữ và tránh khỏi nghĩa vụ phát sinh. Khác với các sản phẩm tài chính khác như cổ phiếu và trái phiếu có một số cố định lượng tiền của chứng khoán, số lượng hợp đồng kỳ hạn của hàng hóa xác định ở một thời điểm được giới hạn bởi sự sẵn sàng mua và bán của các đối tượng tham gia thị trường. Một hợp đồng kỳ hạn được tạo ra mỗi khi người mua mới và người bán mới giao kết với nhau, cho nên tại mọi thời điểm trước khi ngày giao dịch cuối cùng (thời điểm cuối cùng được phép tất toán) lượng hàng hóa giao dịch vẫn tiếp tục tăng lên. Nếu so sánh với lượng hàng hóa vật chất, thông thường lượng hàng hóa giao dịch kỳ hạn sẽ lớn hơn. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì hợp đồng kỳ hạn là dạng phái sinh chứ không bị giới hạn bởi hợp đồng hàng hóa vật chất

Do các hợp đồng kỳ hạn được tiêu chuẩn hóa và được niêm yết giao dịch được chấp thuận rộng rãi, nên người mua bán đều có thể giao dịch đảo ngược “mua lại” hoặc “bán lại” hợp đồng kỳ hạn đã được thực hiện trước đó, không cần thiết phải đi tìm lại người đã mua bán với mình hợp đồng này để giao kết thanh lý. Các nhà giao dịch có thể đảo ngược vị thế ban đầu và giao dịch với bất kỳ ai trên thị trường, đơn giản là vì những giao dịch này cùng loại hàng hóa có chung điều kiện và quy định cũng như chất lượng đồng nhất, ngoại cho chung một hàng hóa và ngày đáo hạn là tương đương, có thể thay thế lẫn nhau.

Chiều mua và chiều bán (Long and Short)

Một cá nhân hoặc tổ chức có thể khởi tạo một giao dịch bằng việc mua một hợp đồng – hay được gọi là nắm giữ vị thế mua (Long) – và sau đó bán hợp đồng tương tự để tất toán vị thế mua. Hoặc một nhân/tổ chức có thể bán trước một hợp đồng – hay được coi là nắm giữ vị thế bán (Short) – và sau đó mua lại hợp đồng tương tự để đóng vị thế đã bán trước đó.

Điều đặc biệt của thị trường này là ở chỗ, các cá nhân/tổ chức có thể bán được những hàng hóa mà họ không sở hữu, hay nói cách khác khi nắm giữ vị thế kỳ hạn tiêu chuẩn (vị thế mua hoặc vị thế bán) không phụ thuộc vào việc cá nhân/tổ chức đó có sở hữu hàng hóa cơ sở. Điều này là hoàn toàn hợp lý, vì hàng hóa thực trên hợp đồng kỳ hạn chỉ tồn tại khi người mua và người bán thực hiện giao hàng. Do đó, việc nắm giữ vị thế đối với hợp đồng kỳ hạn không liên quan đến việc các bên có sở hữu hàng hóa hay không.

Vị thế mở (Open Position)

Vị thế mở bao gồm 2 thông tin: chiều giao dịch (chiều mua hoặc chiều bán) và khối lượng ròng các hợp đồng của các giao dịch. Vị thế mở chính là kết quả tổng hợp của các lệnh mua và lệnh bán được thực hiện. Khi giao dịch mua có số lượng hợp đồng nhiều hơn giao dịch bán, thì vị thế mở là vị thế mua (long position). Khi giao dịch mua có số lượng hợp đồng ít hơn giao dịch bán, thì vị thế mở là vị thế bán (short position). Nếu cân bằng nhau có nghĩa là tất toán, không có vị thế mở, hoặc vị thế mở tạm thời bằng 0.

Trong một vài trường hợp như lệnh spread, hoặc đóng tạm thời bằng lệnh đối chiều nhưng khác ngày của giao dịch LME, mặc dù vị thế mở đã được “tạm thời đóng” nhưng vị thế về “dòng tiền” vẫn còn và chỉ được giải phóng khi Sở LME giải phóng ký quỹ đảm bảo cho các vị thế đó đến thời điểm đáo hạn. Giao dịch spread và giao dịch LME tương đối đặc thù

Tổng vị thế thị trường (Open Interest)

Tổng giá trị tuyệt đối các vị thế trên toàn bộ thị trường được tính là tổng vị thế thị trường (Open Interest). Về cơ bản, tổng vị thế thị trường (Open Interest) giống với vị thế mở (Open Position). Tuy nhiên, tổng vị thế thị trường thường được nhắc đến khi tổng hợp tất cả vị thế mở của các hợp đồng kỳ hạn hoặc vị thế mở trong từng kỳ hạn của một hàng hóa. Tổng vị thế thị trường là chỉ báo quan trọng đánh giá sức hấp dẫn, tính thanh khoản của hàng hóa tiêu chuẩn.

Khối lượng giao dịch (Volume)

Khối lượng giao dịch là số lượng hợp đồng kì hạn tiêu chuẩn hoặc hợp đồng quyền chọn được giao dịch trong một khoảng thời gian xác định. Khối lượng giao dịch khác với vị thế mở, khi vị thế mở cho biết chiều mua bán giao dịch cụ thể ở từng hợp đồng và hàng hóa.

Tất toán vị thế (Offsetting)

Trong giao dịch hàng hóa, khi giao dịch khởi tạo ban đầu và giao dịch tiếp theo cùng chiều, thì tạo ra một vị thế chung – là vị thế mua hoặc vị thế bán. Nhưng khi tạo ra giao dịch đối chiều, do tính chất thay thế được nhau và tương đương nên các giao dịch đối chiều sẽ tất toán một phần hoặc toàn bộ các giao dịch khởi tạo ban đầu.

Thậm chí nếu số lượng giao dịch đối chiều lớn hơn số lượng giao dịch ban đầu, hành động đó được gọi là đảo chiều (reverse).

Khi nào các giao dịch đối chiều được thực hiện? Đó là khi các nhà giao dịch thấy rằng mức giá đã chạm mức, ngưỡng của thị trường và lựa chọn loại lệnh giao dịch phù hợp để khớp lệnh và tạo ra lãi lỗ thực tế từ ký quỹ biến đổi (hay nói cách khác, cụ thể hóa khoản lãi lỗ dự kiến thành lãi lỗ thực tế). Cũng như việc chúng ta mua được lô đất 500 triệu VND, sau khi tham khảo giá thị trường đang giao dịch 1 tỷ VND, lãi lỗ dự kiến là 500 triệu VND dư. Tuy nhiên, số tiền đó chưa có thực. Đến khi chúng ta thực hiện giao dịch bán lô đất đó với giá 900 triệu VND, trừ đi thuế, các chi phí môi giới và chi phí khác phát sinh, chúng ta có được 850 triệu VND. Như vậy, lãi lỗ thực tế là 350 triệu VND dư. Đó mới thực sự là lãi lỗ thực tế, là số tiền được quyết toán và “thực sự” nằm trong tài khoản ngân hàng hoặc được nắm giữ bằng tiền mặt.

Hầu hết các nhà đầu tư tham gia thị trường kỳ hạn tiêu chuẩn đơn giản là tìm kiếm lợi nhuận từ biến động giá và không quan tâm đến việc nhận hay giao hàng hóa. Do đó, việc tất toán vị thế trước ngày đáo hạn là điều cần thiết để những đối tượng tham gia thị trường này tránh yêu cầu giao hàng vật chất.

Để tất toán một giao dịch, điều cần thiết là thực hiện một vị thế ngược chiều với vị thế trước đã thực hiện trên thị trường. Nếu bạn mua một hợp đồng Cà Phê Robusta đáo hạn tháng 3/2023 thì bạn phải bán một hợp đồng Cà phê Robusta đáo hạn tháng 3/2023 để có thể tất toán vị thế.

Có nhiều thuật ngữ để nói về việc nhà giao dịch không liên quan đến thị trường, không chịu rủi ro thị trường hay không sở hữu vị thế.

Liquidate, offset, close out là những thuật ngữ thường thấy để nói về việc tất toán hoàn toàn vị thế mà không chịu các rủi ro về giá hoặc nghĩa vụ ký quỹ.

Flat là thuật ngữ có ý nghĩa ở mức độ cao hơn của tất toán, mặc dù có thể dùng để thay từ tất toán, nhưng bao hàm thêm ý nghĩa rằng, không có vị thế và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ thông tin hay biến động của thị trường đó.

Trong quá trình sử dụng các nền tảng giao dịch, nhà giao dịch có thể bối rối trước câu hỏi của một số hệ thống khi lựa chọn chức năng nào của thị trường: Liquidate hay Flat. Trong trường hợp này: Liquidate có nghĩa là, nhà giao dịch có vị thế nào, thì sẽ thực hiện ngay lập tức giao dịch đối chiều bằng các lệnh giá thị trường để đóng hoàn toàn vị thế mở trước đó nếu thị trường cho phép. Tuy nhiên, khả năng cao còn lệnh chờ bị sót lại liên quan đến hợp đồng này. Flat sẽ tương đương hành động bao gồm lệnh được tạo ra như chúng ta thực hiện chức năng Liquidate trên hệ thống phần mềm, cộng thêm việc hủy bỏ toàn bộ các lệnh chờ của tài khoản giao dịch có liên quan đến hàng hóa đó. Có thể hình dung giống như việc chúng ta đăng xuất ra khỏi Facebook và gần như không đoái hoài đến diễn biến gì trên đó.

Trong thực tế, việc thực hiện flat không có nghĩa rằng các vấn để biến động tâm lý được triệt tiêu. Không may là rất nhiều nhà giao dịch chưa nhiều kinh nghiệm thường xuất hiện cảm xúc tiếc nuối vì bỏ lỡ các cơ hội và coi đó là như một khoản thua lỗ tiền bạc thực sự. Hoặc nhà giao dịch sẽ khủng hoảng tâm lý nặng nề trong trường sau: khi thực hiện flat để chốt lãi nhưng sau đó thị trường lại theo đúng kỳ vọng và nếu như chưa thực hiện flat, khoản lãi kia giờ có thể còn hơn rất nhiều lần, thậm chí vượt qua cả số tiền ký quỹ ban đầu bỏ ra. Điều này khẳng định rằng, giao dịch hàng hóa hay bất kỳ giao dịch nào (ở đây là các dạng giao dịch chính thống được pháp luật thừa nhận) đều là các cuộc chiến tâm lý, nơi đòi hỏi sự ổn định cảm xúc, hay sự nhẫn nại, kiên trì, thời gian và sức lực để có thể đạt được kết quả kỳ vọng.

Chuyển tháng đáo hạn (Rolling over)

Khái niệm chuyển tháng đáo hạn được sử dụng chủ đạo để chỉ phương thức thực hiện việc tất toán một giao dịch khi gần ngày đáo hạn và tiếp theo đó là việc khởi tạo ra một vị thế tương tự như vị thế trước với ngày đáo hạn xa hơn.

Nói cách khác, một giao dịch chuyển tháng đáo hạn bao gồm hai lệnh trong thực tế: tất toán vị thế cũ và mở vị thế mới tương tự. Thông thường thì các nhà giao dịch chưa nhiều kinh nghiệm nghĩ rằng, việc thoát được vị thế cũ sẽ đơn giản chỉ là chuyển tháng giao dịch, nhà giao dịch có thể giữ vị thế như vậy và xác định lãi lỗ dự kiến đến tháng đáo hạn tiếp theo. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm.

Phân tích trở lại bản chất của giao dịch này chuyển tháng (Rolling over) là bao gồm hai lệnh có thể đồng thời hoặc không đồng thời, nhưng một trong số đó là lệnh tất toán. Tất toán như đã miêu tả có nghĩa là sự đóng hoàn toàn một vị thế trước đó bằng một giao dịch đối chiếu và kết quả là sinh ra lãi lỗ thực tế, là chênh lệch giữa giá bán và giá mua. Hay nói cách khác, giao dịch chuyển tháng tạo ra lãi lỗ thực tế, nếu là lãi sẽ cộng vào số dư tài khoản, nếu là lỗ sẽ trừ vào số tiền tài khoản trực tiếp. Lãi lỗ dự kiến chuyển hóa thành lãi lỗ thực tế. Nên nếu như chuyển tháng, hãy cân nhắc về khả năng tạo ra lỗ thực tế trước khi thực hiện. Thật không may, giao dịch dựa trên thuật toán, không thể trì hoãn hay thay đổi được điều này.

Thời gian để thực hiện lệnh tất toán có thể là mất 10-15 giây. Tuy nhiên, sau 10-15 giây, thị trường có thể thay đổi 5-10 bước giá gây thêm rủi ro biến động giá. Để tránh được giao dịch chuyển tháng phát sinh thêm rủi ro thị trường khi biến động giá giữa các kỳ hạn ở các thời điểm có thể khác nhau, lệnh giao dịch dạng Spread ra đời, cho phép người giao dịch có thể thực hiện lệnh chuyển tháng với giá kỳ vọng (lệnh chờ) hoặc giá thị trường (lệnh thị trường).

Ví dụ: Nhà giao dịch đang nắm giữ vị thế mua hợp đồng Đậu tương đáo hạn tháng 5/2022, với ngày thông báo đầu tiên đã cận kề. Môi giới viên yêu cầu nhà giao dịch nếu không tất toán thì lựa chọn phương án thực hiện lệnh chuyển tháng để tránh giao hàng vật chất, trong khi đó vẫn kỳ vọng thị trường giá tăng (bull market). Điều này có nghĩa là, nhà giao dịch phải bán hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2022 và mua tháng kỳ hạn sau có thể là tháng 7/2022 hoặc tháng 9/2022.

Chênh lệch giá chào mua chào bán

Khái niệm Spread được sử dụng trong một số hoàn cảnh khác nhau cho những ý nghĩa khác nhau. Cần lưu ý việc sử dụng cụm từ này trong thực tế giao dịch để tránh hiểu sai.

Đối với khái niệm Chênh lệch giá chào mua chào bán (Bid/Ask Spread), đầu tiên cần phải tìm hiểu Bid, Ask là như thế nào với những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch.

Bid (price): giá chào mua

Ask hay Offer (price): giá chào bán

Giá chào mua và giá chào bán là các tập hợp giá được tổng hợp từ các lỗ lệnh giao dịch của các đối tượng tham gia thị trường. Lực lượng lệnh bán sẽ hình thành các giá vùng giá bán (ask) và lực lượng lệnh mua sẽ hình thành các giá vùng giá mua (bid). Thông thường trong các bảng giá giao dịch, sẽ dùng màu sắc để phân lập ra làm 2 chiều mua bán, thường vùng giá mua sẽ có màu xanh (xanh nước biển hoặc xanh lá) còn vùng bán sẽ có màu đỏ. Việc phân chia khiến cho giao dịch trở nên dễ theo dõi hơn, khoảng giá mà vùng giá mua và vùng giá bán giao thoa với nhau chính là bid/ask spread. Từ vùng giá này xác lập nên những giá khớp lệnh thị trường.

Bid/Ask trong Bid/Ask spread được hiểu là khoảng cách giữa giá chào mua tốt nhất (best bid) và giá chào bán tốt nhất (best ask).

Trong hình ảnh dưới đây, người mua sẽ tìm đến vùng thị trường đang chờ bán ở phía trên, giá có thể khớp lệnh tốt nhất là 779. Trong khi đó, người bán sẽ tìm kiếm vùng thị trường đang chờ mua ở phía dưới, giá có thể khớp lệnh tốt nhất là 7786 (hay 778.75). Thông thường, hai vùng chờ mua và chờ bán được phân biệt tách bạch bởi hai màu sắc đối lập nhau như cặp màu xanh nước biển và màu đỏ.

image 85

Khái niệm bid/ask là khái niệm còn tương đối mới, để làm quen, nhà giao dịch nên dành thời gian quan sát diễn biến của những biểu đồ giá này. Biểu đồ tập hợp các giá lại thành nhiều cột và cột giá được gọi là thang giá (Price ladder). Nhìn từ góc độ nhà giao dịch thì thị trường đang liên tục biến động và thang giá sẽ liên tục thay đổi, đi kèm với đó là sự biến động của cung cầu thị trường. Tập hợp khối lượng các hợp đồng mua và bán của toàn bộ thị trường ở các mức giá kỳ vọng được gọi là độ sâu thị trường (Depth of market). Khối lượng hợp đồng được đưa vào thị trường và quy mô của độ sâu thị trường cho thấy diễn biến thực sự của thị trường và là biểu hiện của một “thị trường hiệu quả”- nơi cung cầu của thị trường quyết định giá với sự tham gia của đa dạng các đối tượng trên thị trường. Có những thị trường, ở một mức giá kỳ vọng trung bình có lượng hợp đồng chờ mua ở mức 1 con số, nhưng có những thị trường độ sâu thị trường của từng giá trung bình là 3 chữ số đến 4 chữ số. Điều này cũng giúp các giao dịch viên và nhà đầu tư biết thị trường này có hấp dẫn không, thị trường thanh khoản hay không và ở mức nào khi có sự so sánh lựa chọn.

Độ sâu của thị trường (Depth of market) có mối liên hệ tỷ lệ thuận với chênh lệch giá chào mua chào bán (Bid/ Ask Spread). Với thị trường càng thanh khoản, ta có thể nhận thấy khối lượng hợp đồng chờ mua/bán ở các giá ở mức rất cao, đi kèm đó là khoảng cách giữa giá chào mua tốt nhất (best bid) và giá chào bán tốt nhất (best ask) chỉ từ 1-2 bước giá. Còn các thị trường thanh khoản yếu hơn, có thể thấy ít lệnh chờ hơn, chênh lệch giá chào mua chào bán có thể kéo giãn hơn tới 5-10 bước giá.

Một thị trường thuần mua hoặc thuần bán được coi là thị trường thiếu thanh khoản, bao gồm cả trường hợp thị trường chạm các biên độ.

Điểm chú ý là cùng một hàng hóa sẽ có nhiều hợp đồng đáo hạn khác nhau, thanh khoản (bao gồm độ sâu thị trường và khoảng cách giá mua giá bán) sẽ tốt hơn ở các tháng kỳ hạn gần (tháng đáo hạn sớm có tên gọi là near hay spot hoặc front month), các tháng kỳ hạn xa sẽ kém hơn (tháng có kỳ hạn xa có tên gọi là back hoặc deffered hoặc distant month)

Để hiểu rõ hơn về chênh lệch giữa giá mua và giá bán, hãy nhớ rằng về cơ bản có hai giá thị trường tại bất kỳ thời điểm nào. Có một mức giá mà chúng ta có thể mua hợp đồng (giá thị trường sẵn sàng bán – ask) và một mức giá mà chúng ta có thể bán hợp đồng (giá thị trường sẵn sàng mua – bid). Là một nhà giao dịch cá nhân, chúng ta sẽ luôn trả mức giá cao hơn và bán mức giá thấp hơn. Một số người hay bị nhầm lẫn giá chào mua (bid) là giá mà mình sẽ phải trả và giá chào bán (ask) là giá mà mình sẽ nhận về. Điều đó là một trong những sai lầm rất cơ bản. Khi vào thị trường, chúng ta chỉ là một trong số hàng trăm ngàn nhà giao dịch khác. Chỉ có thị trường mới ghi nhận tổng hợp lại thành các biểu thị giá. Do đó, phải có nhận thức chắc chắn rằng: giá chào mua và giá chào bán, lần lượt là bid và ask của giá của thị trường đang chào với mình. Số tiền chúng ta bỏ ra để mua sẽ bằng giá chào bán, số tiền chúng ta thu về khi bán sẽ bằng giá chào mua. Cần phải bỏ tiền để đầu tư, không ai cho chúng ta cơ hội mua xong bán được luôn, không rủi ro mà vẫn có lãi. Nếu muốn tham gia vào một thị trường, chúng ta phải trả chênh lệch giá mua và giá bán. Đó chính là chi phí cơ hội, để chúng ta sở hữu vị thế. Nếu như chúng ta nhầm chiều, thì chúng ta cũng phải trả mức phí ngay lập tức cho sai lầm của mình để tất toán vị thế đã tạo ra do sai sót.

Ví dụ, một nhà kinh doanh ngô có thể mua ngô với giá 375 1/2 xu và bán ngô với giá 375 xu. Chênh lệch nửa xu là chênh lệch giá mua/ bán và nó được chuyển thành một phần của chi phí khi thực hiện giao dịch trên thị trường.

Hãy nhớ rằng, chênh lệch giá mua/bán là nguồn thu của các nhà tạo lập thị trường khi thực hiện giao dịch và cung cấp tính thanh khoản cho thị trường. Trong quá khứ, các nhà tạo lập thị trường chủ yếu là các nhà môi giới trên sàn giao dịch hoặc những người đứng trong các hố giao dịch (khu vực trên các sàn giao dịch) thực hiện các lệnh mua bán trên thị trường. Cũng giống như chúng ta trả hoa hồng (commission) cho nhà môi giới, nhà tạo lập thị trường phải được thanh toán dưới hình thức chênh lệch giá mua/bán. Hãy nghĩ về điều này: Nếu với tư cách là một nhà giao dịch cá nhân, chúng ta luôn mua với giá chào bán và bán với giá chào mua, chúng ta sẽ bị thua lỗ ngay cả khi giá của hợp đồng kỳ hạn không đổi. Trong thị trường quyền chọn, người hưởng lợi từ sự khác biệt giữa giá mua và giá bán là nhà tạo lập thị trường – những người giúp cho giao dịch có thể diễn ra trôi chảy. Trong thị trường kỳ hạn có thanh khoản cao thường không có các nhà tạo lập thị trường. Do đó, các bên tham gia thị trường sẽ hấp thụ chênh lệch giá mua/bán tại những thị trường có thanh khoản cao.

Dù sao, chênh lệch giữa giá mua và bán không phải là điều mà do các nhà đầu tư nên “bực bội” trong các thị trường thanh khoản. Rốt cuộc, nhà tạo lập thị trường phải được đền bù vì đã chấp nhận rủi ro liên quan đến việc thực hiện mặt khác trong giao dịch của chúng ta. Nói chung, nhà tạo lập thị trường muốn bù đắp vị thế và rủi ro của mình càng sớm càng tốt; mục đích của họ là “tạo ra thị trường” và kiếm lợi từ chênh lệch giá mua/bán chứ không phải đầu cơ từ biến động giá. Trong các thị trường có tính thanh khoản cao, thường không có nhà tạo lập thị trường nào nhưng vẫn có chênh lệch giá mua/bán tự nhiên trong khoảng một tích tắc. Cụ thể hơn, các nhà giao dịch quyền chọn hầu như sẽ luôn thực hiện các lệnh mà khi đó một nhà tạo lập thị trường ở phía bên kia của giao dịch kiếm được khoản chênh lệch. Tuy nhiên, các nhà giao dịch kỳ hạn thường khớp các giao dịch của họ với các nhà giao dịch cá nhân khác hơn là 1 nhà tạo lập thị trường được chỉ định. Điều này là do thị trường hoạt động có thanh khoản cao và hình thành (phát hiện) giá cả mà không cần sự hỗ trợ của nhà cung cấp thanh khoản.

Là 1 nhà giao dịch, điều quan trọng là phải nhận thức được chênh lệch giá mua/bán và tác động của mức độ chênh lệch đối với kết quả giao dịch. Một số yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến mức chênh lệch giá mua/bán là tính thanh khoản và tính biến động của thị trường. Khi tính thanh khoản của thị trường giảm, mức chênh lệch giá mua/bán rộng hơn, do đó chi phí liên quan đến việc tham gia vào một thị trường như vậy sẽ tăng lên. Điều này thật hợp lý.

Tương tự như vậy, nếu mức độ biến động cao, nhà tạo lập thị trường phải đối mặt với rủi ro về giá nhiều hơn trong thời gian anh ta thực hiện phía bên kia của giao dịch. Do đó, anh ta yêu cầu mức lợi ích cao hơn cho những nỗ lực của mình, điều này tạo ra chênh lệch giá mua/giá bán tương đối rộng.

Một trong những sai lầm lớn nhất mà các nhà giao dịch mới đầu mắc phải là bỏ qua hậu quả của chênh lệch giá mua/bán lớn. Hầu hết các hợp đồng kỳ hạn được giao dịch linh hoạt nên chênh lệch giá mua/bán không phải là vấn đề. Tuy nhiên, trong mảng giao dịch quyền chọn, chênh lệch giá mua/bán là một mối quan tâm lớn. Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta phải hiểu rằng chênh lệch giá mua/giá bán là một phần của hoạt động kinh doanh và biết cách điều chỉnh chiến lược giao dịch của mình cho phù hợp.

Chênh lệch giá mua/bán cản trở khả năng kiếm lợi nhuận của nhà giao dịch; chênh lệch càng rộng thì càng khó có lãi. Trên thực tế, một số thị trường nhất định có chênh lệch giá mua/bán quá rộng nên tôi tin rằng các nhà đầu tư không có động lực để giao dịch chúng. Sự tránh né này bắt nguồn từ ý tưởng rằng, mức chênh lệch quá rộng sẽ tạo ra một tình huống trong đó nhà giao dịch không chỉ phải đi đúng hướng của thị trường mà còn phải cực kỳ đúng đắn để vượt qua chi phí giao dịch quá đắt. Hãy tưởng tượng giao dịch mặt hàng Đồng COMEX thường có chênh lệch giá mua/bán cao hơn 0.2 xu hoặc tương đương với biến động tài khoản là 50 USD. Ngay sau khi bắt đầu giao dịch là đã lỗ mất số tiền 50 USD, bất kể biến động của giá trong tương lai. Điều này khiến cho việc giao dịch cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Giao dịch hoàn chỉnh và chi phí giao dịch

Không giống như thị trường chứng khoán, trong đó chi phí giao dịch thường được báo giá trên cơ sở giao dịch một chiều và dưới dạng phí lệnh, các giao dịch hàng hóa thường được tính phí trên hai chiều hoàn chỉnh (bao gồm cả việc mở lệnh và đóng lệnh). Nói một cách đơn giản, nó là việc tham gia vào và thoát ra khỏi một thị trường. Kết quả của giao dịch phải từ việc tham gia và tất toán trên thị trường, khi đó nhà giao dịch mới được giải phóng khỏi nghĩa vụ ký quỹ và phát sinh là lãi lỗ thực tế từ giao dịch hoàn chỉnh.

Nhiều nhà giao dịch mới bắt đầu lầm tưởng rằng phí giao dịch phụ thuộc vào số lượng lệnh đặt hơn là số lượng hợp đồng, nhưng thực tế không phải vậy. Số lượng phí giao dịch phụ thuộc vào số hợp đồng khớp lệnh. Thông thường khách hàng có nhiều lệnh được đặt, nhưng chỉ một số lệnh khớp mới được tính phí. Nếu một nhà giao dịch mua 10 hợp đồng kỳ hạn dầu thô với giá 49.00 USD và sau đó bán tất cả 10 hợp đồng với giá 50 USD, anh ta đã thực hiện 10 giao dịch 2 chiều hoàn chỉnh và sẽ bị tính phí 20 hợp đồng vì khối lượng giao dịch tổng cộng là 20 hợp đồng khớp lệnh.

Tất nhiên, không phải tất cả các nhà giao dịch đều giao dịch được khởi tạo vào mao trong ngày, thông thường các vị thế sẽ được khởi tạo vào một ngày và tất toán vào một ngày nào đó trong tương lai. Trong trường hợp này, nhà giao dịch kỳ hạn bị tính phí một chiều vào ngày giao dịch được bắt đầu và sau đó được tính phần còn lại vào ngày mà giao được tất toán. Lưu ý giao dịch hợp đồng quyền chọn thường bị tính hoặc giữ lại phí mua quyền chọn.

Có nhiều cách để thành viên chào mức phí giao dịch, các bên lực khiến giao dịch được thực hiện nhiều hơn hoặc phù hợp hơn với phong cách và chiến thuật của khách hàng nếu như có những cam kết nhất định. Khi đó, thành viên và môi giới viên cần tham khảo cơ chế chào phí bậc thang (tiered pricing) hay khối lượng (volume pricing). Ví dụ sau đây sẽ khiến cho mọi nhầm lẫn được giải phóng:

Trong trường hợp khách hàng giao dịch 500 hợp đồng, các cơ chế giao dịch khác nhau sẽ có tính toán khác nhau: 

Chào phí theo khối lượng Chào phí theo bậc thang
01-100 = 350,000 VND/lot
101 – 250 = 330,000 VND/lot
251- 760 = 310,000 VND/lot
750+ = 300,000 VND/ lot
01-100 = 350,000 VND/lot
101 – 250 = 330,000 VND/lot
251- 760 = 310,000 VND/ lot
750+ = 300,000 VND/ lot
Chi phí thanh toán Chi phí thanh toán
Giao dịch 500 hợp đồng sẽ được tính là 310,000 VND một hợp đồng
Tổng chi phí: 155 triệu VND
Giao dịch 100 hợp đồng đầu sẽ được tính là 350,000 VND một hợp đồng
101 – 250 hợp đồng là 330,000 VND một hợp đồng
250 – 500 hợp đồng là 310,000 VND
Tổng chi phí: 162 triệu VND

Ký quỹ

Để giao dịch hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn tại Sở giao dịch hàng hóa, các đối tượng giao dịch phải mở một tài khoản ký quỹ tại một thành viên kinh doanh. Số tiền ký quỹ trên tài khoản được coi như một khoản đảm bảo về tài chính cho việc thực hiện nghĩa vụ theo cam kết của mỗi bên (cụ thể là nghĩa vụ giao tài sản đối với bên bán hợp đồng kỳ hạn và nghĩa vụ trả tiền đối với bên mua hợp đồng kỳ hạn). Về phần mình, thành viên kinh doanh cũng có tài khoản ký quỹ mở và các khoản tiền phải nộp khác theo nghĩa vụ thành viên gửi tại Trung tâm Thanh toán bù trừ của sở giao dịch hàng hóa.

Khi thị trường biến động mạnh và biến động giá hàng ngày càng trở nên khó lường hơn, sở giao dịch hàng hóa có thể đưa ra yêu cầu một mức ký quỹ cao hơn để phòng ngừa rủi ro. Ngược lại, khi điều kiện thị trường cũng như phương pháp ký quỹ được đảm bảo, yêu cầu ký quỹ có thể được giảm bớt.

Ký quỹ ban đầu

Ký quỹ ban đầu là mức ký quỹ tối thiểu mà khách hàng phải có trên tài khoản giao dịch hàng hóa theo quy định của sở giao dịch hàng hóa khi thực hiện mở vị thế. Mức ký quỹ ban đầu cho từng hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn cụ thể được sở giao dịch hàng hóa quyết định ban hành và công bố từng thời kỳ.

Ký quỹ ban đầu được sử dụng với mục đích chính là đảm bảo nhà đầu tư có đủ tiền mặt để đối phó với những đợt biến động giá mạnh diễn ra trên thị trường. Ký quỹ ban đầu được xác định dựa trên sự biến động giá của tài sản cơ sở, tài sản cơ sở càng biến động mạnh thì mức yêu cầu ký quỹ ban đầu sẽ càng cao.

Thông thường mức ký quỹ được neo theo giá trị danh nghĩa của tài sản cơ sở, ở đây là hàng hóa. Vì giá trị danh nghĩa là 1 hợp đồng hàng hóa = giá hàng hóa x độ lớn hợp đồng. Do đó, mức ký quỹ có một mối liên hệ trực tiếp và cùng chiều với giá thị trường của mặt hàng đó. Khi giá thị trường giảm hay tăng ở mức độ nhất định, thì ký quỹ cũng sẽ giảm hoặc tăng, thường các mức tăng giám trong phạm vi +/- 10%. Trừ trường hợp thị trường có những phát sinh grob biến động bất thường, ký quỹ ban đầu mới có thể sẽ tăng mạnh hơn ngoài biên độ này, so với mức ký quỹ được quy định trước đó.

Hiện nay, nhiều trung tâm thanh toán bù trừ và các sở giao dịch hợp đồng hàng hóa phái sinh trên thế giới đang áp dụng phương pháp tính ký quỹ SPAN (Standardized Portfolio Analysis of Risk). Đây là công cụ tính toán phức tạp có thể xác định được tình hình biến động giá xấu nhất có thể xảy ra của một vị thế hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, từ đó xác định được yêu cầu ký quỹ ban đầu dựa trên phương pháp tính toán đó thay vì áp dụng một mức tiêu chuẩn trong mọi điều kiện thị trường. Ngoài ra, mục đích của SPAN còn hướng tới việc giảm ký quỹ ban đầu ở một số kỳ hạn xa để hợp đồng USD Red Sup kỳ hạn trở nên dễ tiếp cận hơn.

Trong một số tài liệu nước ngoài có đề cập đến cái tên Performance Bond – là tên trước đây của ký quỹ vì chung ý nghĩa là tài sản đảm bảo cho giao dịch hàng hóa.

Ký quỹ yêu cầu

Ký quỹ yêu cầu là số tiền ký quỹ tối thiểu của các thành viên kinh doanh tại sở giao dịch hàng hóa, không bao gồm ký quỹ bắt buộc, để đảm bảo các nghĩa vụ trong giao dịch bao gồm mở vị thế mới và duy trì vị thế mở. Mức ký quỹ yêu cầu cho từng khách hàng được tính bằng hệ số ký quỹ áp dụng nhân với các mức ký quỹ ban đầu.

Ký quỹ yêu cầu

Hệ số ký quỹ Hệ số ký quỹ là hệ số nhân trên mức ký quỹ ban đầu, được sở giao dịch hàng hóa áp dụng cho từng khách hàng hoặc từng phân định danh mục khách hàng khác nhau tại mọi thời điểm hoặc điều chỉnh tăng/giảm tạm thời có báo trước để phản ánh đúng mức độ biến động và rủi ro thị trường, giảm thiểu rủi ro đối với các nhóm khách hàng khác nhau.

Ký quỹ yêu cầu = Ký quỹ ban đầu x Hệ số ký quỹ

Tổng ký quỹ yêu cầu = Mức ký quỹ yêu cầu của 1 hợp đồng (HĐ) x số lượng HĐ

Ký quỹ duy trì

Ký quỹ duy trì là mức ký quỹ tối thiểu mà khách hàng phải có trên tài khoản giao dịch hàng hóa theo quy định của sở giao dịch hàng hóa để duy trì vị thế mở. Mức ký quỹ duy trì cho từng tài khoản và vị thế cụ thể được sở giao dịch hàng hóa quyết định ban hành và công bố từng thời kỳ. Trung tâm thanh toán bù trừ yêu cầu ký quỹ duy trì là để hạn chế rủi ro nếu có bên tham gia không thể thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng kỳ hạn.

Khi lượng ký quỹ trong Khi lượng ký quỹ trong tài khoản của khách hàng xuống dưới mức ký quỹ duy trì, khách hàng sẽ nhận được thông báo về việc yêu cầu nộp bổ sung ký quỹ bắt buộc (Margin Call) sao cho số dư tối thiểu bằng mức ký quỹ ban đầu để có thể thực hiện tiếp các thao tác giao dịch.

Mức ký quỹ duy trì là khác nhau đối với từng loại hàng hóa trên thị trường và luôn được nêu rõ ràng cùng với yêu cầu ký quỹ ban đầu trong mọi hợp đồng kỳ hạn. Mức ký quỹ duy trì thường bằng hoặc thấp hơn mức ký quỹ ban đầu. Giá trị ký quỹ duy trì phụ thuộc vào mức độ rủi ro của hợp đồng và từ đó sở giao dịch hàng hóa sẽ đưa ra mức ký quỹ duy trì phù hợp. Thông thường, các sở giao dịch sẽ thông báo mức ký quỹ duy trì trên website của họ.

Yêu cầu ký quỹ duy trì là biện pháp phòng ngừa rủi ro không chỉ cho Trung tâm Thanh toán bù trừ mà nó còn giúp ngăn các nhà giao dịch hợp đồng kỳ hạn thiệt hại nhiều hơn những gì mà họ đã đầu tư.

Ký quỹ biến đổi

Ký quỹ biến đổi là một trong 4 khái niệm mà mọi nhà đầu tư phải nắm rõ, bên cạnh ký quỹ ban đầu, ký quỹ yêu cầu và ký quỹ duy trì. Ký quỹ biến đổi được hiểu là số tiền hoặc/và tài sản mà nhà đầu tư được yêu cầu phải bổ sung vào tài khoản giao dịch hàng hóa để đưa ** mức ký quỹ về mức ký quỹ yêu cầu.

Nếu tài khoản ký quỹ của chủ sở hữu xuống thấp hơn một giá trị tối thiểu (ký quỹ duy trì – maintenance margin) thì Trung tâm Thanh toán bù trừ sẽ ra thông báo yêu cầu nộp thêm khoản ký quỹ (Margin Call). Nguyên tắc này chính là neo giá thị trường (market to market) là một trong những nguyên tắc kế toán quan trọng để xác lập các nghĩa vụ tài chính phát sinh ở các thời điểm cần đánh giá. Khi nhận được yêu cầu bổ sung ký quỹ, chủ sở hữu phải nộp bổ sung tiền để số dư ký quỹ tối thiểu bằng với mức ký quỹ ban đầu. Nếu chủ sở hữu không có đủ tiền để bù đắp khoản thiếu hụt này dẫn đến tỷ lệ ký quỹ chạm mức cắt lỗ, trạng thái mở hiện có sẽ ngay lập tức được tất toán một phần hoặc toàn bộ tùy theo quy định hiện hành

Leave a Comment

Về chúng tôi

Giới thiệu về SACT

Chính sách điều khoản

Chính sách bảo mật

Tin tuyển dụng

Site map

Hotline: 024-7304-8884

support@hanghoaphaisinh.com

Liên hệ

Công ty CP Giao dịch Hàng hoá Đông Nam Á (SACT)

Thành viên kinh doanh chính thức của Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam (MXV)

Trụ sở chính: CT36A, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội.

CN HN1: 25 Sunrise B , The Manor Central Park, Hoàng Mai, Hà Nội

CN Hồ Chí Minh: Tầng 2, số 75 Hoàng Văn Thụ, Phường 15, Q. Phú Nhuận, TPHCM