Lạm phát – cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong năm nay, ví dụ như: lạm phát ở Mỹ cao nhất 40 năm qua, châu Âu gặp đỉnh lạm phát,… Đó là những thứ mà không chỉ chúng ta, tất cả những Chính phủ của các nước trên thế giới đều phải quan tâm đến. Trong chủ đề ngày hôm nay, chỉ trong 5 phút bạn sẽ hiểu được “Lạm phát là gì mà quan trọng vậy?”.
Lạm phát là gì?
Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.
Bạn cứ tưởng tượng, tết năm ngoái bạn mua cành đào hết 150k, tết năm nay thì cành đào giống năm ngoái, bạn mua giá 200k. Khoảng chênh lệch giữa giá cành đào năm ngoái và năm nay là 50k, tức là, giá đào đã lạm phát thêm 50k, khoảng 30% so với giá năm ngoái. Dễ hiểu phải không nào.
Lạm phát xảy ra trong các trường hợp nào?
Chúng ta sẽ nói về 3 trường hợp chính thường xảy ra đối với 1 nền kinh tế:
- Thứ nhất là lạm phát do Cung – Cầu: đây là khi mà nhu cầu của người dân về một mặt hàng nào đó tăng cao hơn nhiều so với nguồn cung. Để lấy ví dụ này, nghe có vẻ hơi tế nhị nhưng rất thực tế đó là: nước Mỹ năm qua có lạm phát giấy vệ sinh, do nước này không sử dụng vòi xịt như người Việt Nam, họ chỉ sử dụng giấy vệ sinh thôi, mà trong thời đại Covid, bị hạn chế ra đường, giãn cách xã hội, nhỡ mà hết giấy vệ sinh thì sao mà mua được. Vậy nên nhiều người đã mua và tích trữ rất nhiều. Cơ mà ngặt một nỗi, nước họ lại không phải nước chuyên sản xuất giấy vệ sinh, họ nhập khẩu từ nước khác về. Và dịch thì chẳng phải chỉ mỗi nước Mỹ mà chừa các nước khác ra, các nước xuất khẩu giấy vệ sinh cũng bị ảnh hưởng do đại dịch, phải đóng cửa sản xuất, chuỗi cung ứng bị trì trệ, việc nhiều người mua tích trữ khiến cho giấy vệ sinh trên thị trường bị khan hiếm, kẻ ăn không hết mà người lần chẳng ra. Và nhu cầu đi vệ sinh… chắc chắn là thiết yếu, mà với một đất nước không sử dụng gì khác ngoài giấy thì đây đúng là một nỗi ác mộng. Vậy nên họ sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn để có thể mua được thứ họ cần.
- Thứ hai là lạm phát do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng giá: vì các công ty cần nguyên liệu đầu vào để có thể sản xuất ra thành phẩm đến với tay của người tiêu dùng, vậy nên người tiêu dùng sẽ phải chịu thêm phần chi phí do thay đổi giá nguyên liệu đầu vào. Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng thường do các yếu tố như: thiên tai, dịch bệnh, chi phí vận chuyển tăng, nhân công đòi tăng lương, giá điện tăng, giá dầu tăng,… Năm vừa qua, hẳn các bạn đã nghe về câu chuyện giá thép tăng kỉ lục. Nguyên nhân chính là do giá quặng sắt – nguyên liệu đầu vào để tạo ra phôi sắt, từ đó làm ra các loại thép dùng trong xây dựng tăng. Hay là gần đây, quán phở Thìn ở phố Lò Đúc, Hà Nội vừa tuyên bố tăng giá bát phở từ 60k lên 90k, vì giá hành lá mà quán sử dụng tăng.
- Thứ ba là lạm phát do in/bơm tiền: Giả sử nền kinh tế Việt Nam sản xuất được 100kg gạo, với mỗi kg giá 30,000, thì tương đương giá trị là 3 triệu đồng. Sau đó, chính phủ bơm vào thị trường thêm 3 triệu đồng nữa; như vậy, nền kinh tế lúc này có 6 triệu đồng, nhưng thực tế nền kinh tế Việt Nam vẫn chỉ sản xuất được 100kg gạo, với mỗi kg gạo lúc này sẽ có giá gấp đôi là 60,000 đồng. Nói ngắn gọn, việc in tiền chỉ làm hàng hóa trở nên đắt hơn, trong khi số lượng hàng hóa sản xuất ra vẫn không đổi. Quan trọng hơn, việc in tiền sẽ dẫn đến lạm phát, nếu chính phủ in quá nhiều tiền thì có thể dẫn đến tình trạng siêu lạm phát.
Các cấp độ lạm phát
Lạm phát có 3 mức độ:
- Lạm phát tự nhiên: 0 – dưới 10%
- Lạm phát phi mã: 10% đến dưới 1000%
- Siêu lạm phát: trên 1000%
Trong thực tế, các quốc gia kỳ vọng lạm phát chỉ xảy ra khoảng 5% trở xuống. Bạn cứ nghĩ thế này, giả sử thu nhập của bạn tăng 10%/năm, và lạm phát chỉ quanh mức 5%, thì một năm tăng trưởng thu nhập thực tế của bạn là 5%, nếu như nó lớn hơn thì chắc chắn thu nhập của bạn không đáng kể chút nào đúng không. Chính vì thế, với bất kỳ một nền kinh tế nào, họ cũng không muốn tăng trưởng kinh tế thực tế của họ lại nhỏ hơn 5% hoặc tăng trưởng âm một chút nào.
Lạm phát tác động đến nền kinh tế như thế nào?
Trước khi hiểu được lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế thế nào, thì bạn cần phải hiểu được nguyên tắc cơ bản nhất để toàn bộ các nền kinh tế trên thế giới có thể vận hành được, đó chính là: Các giao dịch.
Nói về bộ máy kinh tế hoạt động như thế nào thì nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực chất, nó lại đơn giản hơn bạn nghĩ. Một nền kinh tế được tạo nên bởi các hoạt động trao đổi, mua bán thường ngày do nhu cầu của con người. Tổng tất cả các giao dịch mua bán lại, chúng ta sẽ có được nền kinh tế. Một giao dịch sẽ gồm một người mua (sử dụng tiền) và một người bán (cung cấp các mặt hàng cho người mua như hàng hoá, dịch vụ hay tài sản) trao đổi với nhau. Khi người mua có được thứ họ cần còn người bán có được tiền thì giao dịch hoàn tất. Nếu bạn lấy tổng chi tiêu chia cho tổng lượng hàng hoá bán ra trên thị trường, thì bạn sẽ có được mức giá chung cho loại hàng hoá đó. Đó là nền tảng để có thể xây dựng được cả một nền kinh tế. Tất cả các chu kỳ hay động lực tăng của một nền kinh tế đều xuất phát từ các giao dịch, vậy nên, nếu bạn hiểu bản chất các giao dịch, thì bạn sẽ hiểu được bản chất nền kinh tế.
Như vậy, một thị trường được hiểu là gồm tất cả người mua và bán, mọi giao dịch của mỗi loại hàng hoá khác nhau sẽ là một thị trường khác nhau. Có nhiều loại thị trường, ví dụ như thị trường chứng khoán, bất động sản, lúa gạo, ngô, … Nếu coi các thị trường này là một bánh răng, thì khi tất cả các bánh răng được đặt khớp với nhau, thì nó sẽ tạo ra bộ máy kinh tế. Nếu bạn biết được tổng chi tiêu của tất cả các thị trường chia cho tổng hàng hoá thì bạn sẽ có mọi thứ cần biết về một nền kinh tế. Mọi người, mọi doanh nghiệp, mọi ngân hàng hay các chính phủ đều thực hiện các loại giao dịch trên. Trong đó, chính phủ là người mua và bán lớn nhất.
Giao dịch là một thứ quan trọng, vì nó là sự chi tiêu, mà chi tiêu của người này cũng chính là thu nhập của người khác. Mỗi một đồng tiền bạn tiêu thì người bán sẽ kiếm được một đồng và ngược lại, khi bạn kiếm được một đồng thì người khác cũng đã phải chi tiêu một đồng. Và từ lợi nhuận của bạn, thì người bán cũng sẽ chi tiêu cho những thứ khác mà họ cần. Vì vậy, khi bạn chi tiêu nhiều hơn, có nghĩa là người khác cũng kiếm được nhiều hơn. Và cũng vì người khác kiếm được nhiều tiền hơn, thì họ cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn. Mô hình tự củng cố này sẽ tạo nên sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, số lượng tiền bạn thu được sẽ phu thuộc vào lượng hàng hoá mà bạn có để bán ra, vậy nên cách thức duy nhất để có thể tăng trưởng được nền kinh tế là tăng năng suất. Chúng ta cố gắng phấn đấu để nâng cao mức sống, nhưng sẽ có người tăng trưởng nhanh, người tăng trưởng chậm, có người giỏi xuất chúng, chăm chỉ nhưng cũng có người lười biếng, mà mức tăng trưởng của một nền kinh tế phụ thuộc vào toàn bộ người dân ở một nước, cho nên trên thực tế, việc tăng trưởng này sẽ chỉ đúng trong dài hạn, còn về ngắn hạn thì mức tăng trưởng không đáng kể hoặc gần như là không đổi. Vậy nên, để một nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn, thì bạn cần phải kích thích được việc chi tiêu nhiều hơn, vì như mình đã nói, khi chi tiêu tăng lên thì mức thu nhập cũng sẽ tăng lên. Và cách dễ nhất để có thể tăng được mức chi tiêu đó chính là tăng mức tín dụng.
Bản chất việc cho vay cũng chính là một giao dịch giữa người cho vay (các ngân hàng) với người đi vay (người tiêu dùng), vì khi vay, người vay sẽ có trách nhiệm trả nợ + một phần lãi cho ngân hàng, từ đó tạo ra tín dụng. Tín dụng sau khi được tạo ra, nó sẽ trở thành nợ nần cho người vay và tài sản của người cho vay. Có thể nói, ngân hàng đã mua độ tin cậy của người vay, bán cho họ tiền và ngược lại. Thông thường, để tăng thêm thu nhập thì bạn phải tăng năng suất, mà nó chỉ đúng trong dài hạn. Giả dụ bạn cần mua những thứ có giá trị cao hơn thu nhập của bạn như nhà, xe hơi, tài sản, hay là khởi nghiệp, thì cách dễ nhất để có thêm tiền đó chính là đi vay, cách còn lại là cố lao động, tích cóp cho tới khi đủ số tiền đó. Và khi bạn vay được tiền để chi tiêu, thì chi tiêu của bạn sẽ tăng lên, và thu nhập của người khác sẽ tăng lên. Khi thu nhập của một người tăng lên, thì tức là khả năng chi trả nợ của họ sẽ tốt hơn, vậy nên, ngân hàng sẽ sẵn lòng cho họ vay nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu lãi vay quá cao thì sẽ ít người muốn vay vì rủi ro trả nợ lớn, nhưng nếu lãi vay thấp, thì sẽ có nhiều người muốn vay vì rủi ro trả nợ thấp hơn. Vậy nên, để tăng trưởng được tín dụng, thì ngân hàng nhà nước cần phải điều chỉnh lãi suất cho vay. Có thể nói, ngân hàng nhà nước là người có vai trò điều chỉnh dòng chảy tín dụng sao cho phù hợp nhất với nền kinh tế. Kể từ đây, trong chi tiêu, bên cạnh tiền, thì chúng ta còn có thể sử dụng tín dụng, dẫn đến việc tổng chi tiêu của bạn sẽ nhiều hơn, và vẫn theo mô hình tự củng cố, trong ngắn hạn thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng một cách nhanh chóng, mức sống của người dân sẽ dần được nâng cao hơn. Ví dụ khoảng 10 năm trước, xăng có giá 25k/lit, đó là mức giá khá cao, nhưng hiện nay, chúng ta bơm xăng 25k/lit nhưng giá trị của 25k hiện nay và trước đây là khác nhau, do 10 năm trước mức thu nhập chung không quá cao và 25k/lit xăng là một vấn đề lớn, còn thời nay, thu nhập chúng ta đã cao hơn rất nhiều vậy nên cho dù giá xăng đã quay về đỉnh cũ nhưng chúng ta cũng thấy nó cũng không phải quá lớn, 25k bạn có thể tiêu rất nhanh mà cảm thấy không phải gánh nặng quá lớn trong chi tiêu, có chăng chỉ là giá xăng hiện nay cao hơn so với thời điểm giảm còn 12k/lit do Covid không nhiều người có nhu cầu đi lại.
Việc điều chỉnh lãi suất của ngân hàng chính là cho thấy ý đồ của ngân hàng nhà nước. Nếu hạ lãi suất có nghĩa là họ đang muốn bơm tiền ra thị trường, còn nếu họ tăng lãi suất thì họ đang siết lại van tiền. Đương nhiên là ngân hàng nhà nước sẽ không muốn để mức lạm phát quá cao, vì lạm phát sẽ gây ra những bất hoà trong xã hội và có thể dẫn đến siêu lạm phát, như Zimbabwe, đồng tiền của nước họ đã lạm phát quá cao đến nỗi phải sử dụng cân để mua ổ bánh mì, ngân hàng nhà nước sẽ bắt đầu tăng lãi suất. Khi lãi suất cao hơn, thì có nghĩa là lãi vay sẽ cao hơn, sẽ có ít người có khả năng đáp ứng được để trả nợ. Nhưng việc tăng trưởng kinh tế theo cách này sẽ có tính chu kỳ. Khi bạn vay nợ tiền của người khác, cũng chính là bạn đang vay nợ của chính bạn trong tương lai. Có nghĩa là, khi bạn vay và chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được hiện tại thì trong tương lai bạn sẽ phải cắt giảm chi tiêu để trả lại phần tiền bạn đã vay. Về cơ bản, bất cứ khi nào bạn đi vay, thì bạn đã tạo ra một chu kỳ, và điều này đúng với mọi cá nhân trong một nền kinh tế. Và thu nhập của người này cũng chính là chi tiêu của người khác, vậy nên, nếu một người chi tiêu giảm, thì có nghĩa là thu nhập của người khác cũng giảm theo, vậy nên, mô hình tự củng cố ban đầu sẽ bắt đầu đi vào chu kỳ giảm. Nếu chi tiêu giảm xuống, thì giá cả hàng hoá sẽ giảm, nếu chi tiêu tiếp tục giảm thì giá cả sẽ giảm sút trầm trọng, nền kinh tế sẽ rơi vào giảm phát. Khi nền kinh tế bị giảm sút, thì sẽ đi vào giai đoạn suy thoái. Trách nhiệm của ngân hàng nhà nước và chính phủ là phải cân đối giữa hai kịch bản lạm phát và giảm phát sao cho tạo được điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng đúng với đà tăng và nội lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nên có thể nói, việc lạm phát là tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách tiền tệ của nhà nước cùng sức mạnh nội lực của mỗi người dân trong nền kinh tế đó.
Việc tăng giảm lãi suất này sẽ có sự góp mặt quan trọng của FED – kẻ sẽ điều khiển dòng chảy kinh tế của toàn thế giới. Họ sẽ quyết định lãi suất của nước học và mọi nền kinh tế khác trên thế giới đều sẽ phải có sự điều chỉnh theo họ.
Trong giai đoạn in/bơm tiền, nếu nguồn tiền được bơm ra mà đến đúng nơi cần đến, là đi vào kinh doanh sản xuất, đi vào các hoạt động trong đời sống, thì nền kinh tế mới có thể tăng trưởng bền vững. Nhưng nếu nguồn tiền này không đi vào đúng những điều này, mà lại chỉ tập trung vào các loại tài sản như chứng khoán, bđs, vàng, thì sẽ tạo ra các bong bóng tài sản, gây ra tình trạng “giá trị ảo”. Khi bong bóng vỡ thì sẽ tạo ra một sự sụt giảm giá nghiêm trọng, gây đóng băng các loại thị trường này. Nhẹ thì có thể hồi phục một cách thành công và tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới, nhưng nặng thì có thể gây ra những ảnh hưởng lớn lan ra các thị trường khác và loan ra toàn thị trường. Ví dụ điển hình chính là khủng hoảng tài chính năm 2007 – 2008.
Lời kết
Qua chủ đề này, chỉ với 5 phút là bạn đã hiểu được một cách rõ nét nhất về lạm phát là gì, những cấp độ của lạm phát cũng như là những tác động của chúng đến với nền kinh tế cũng như cuộc sống của chúng ta. Chúc các bạn đầu tư thành công và gặp nhiều may mắn.
Biên tập
Chế Linh