Cung thị trường là một trong hai yếu tố quyết định rất nhiều đến giá cả và sự biến động của thị trường. Vậy khái niệm cung là gì? Đâu là các yếu tố ảnh hưởng đến cung hàng hoá? Cùng tìm hiểu ngay qua bài chia sẻ dưới đây!
Cung là gì?
Cung (Supply) được hiểu là số lượng hàng hoá, dịch vụ mà người cung cấp có khả năng và sẵn sàng bán ở nhiều mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định.
Cung bao gồm 2 yếu tố chính là khả năng bán và ý muốn sẵn sàng bán. Trong nhiều trường hợp, người bán có sẵn rất nhiều hàng hoá nhưng vì một vài yếu tố khác nhau nên không muốn bán. Khi đó, cung bằng 0. Mặt khác, khi người cung cấp có mong muốn bán hàng nhưng không có sẵn hàng nên không bán được thì cung cũng bằng 0.
Các yếu tố ảnh hưởng đến cung hàng hóa
Cung hàng hoá bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau từ chủ quan đến khách quan. Trong đó, 5 yếu tố chính dưới đây có tác động lớn nhất trong kinh tế vĩ mô. Cụ thể:
Giá cả hàng hoá và dịch vụ
Giá cả là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến số lượng hàng hoá, dịch vụ mà đơn vị sản xuất quyết định cung ứng ra thị trường. Khi giá cả tăng lên thì lợi nhuận mà người bán thu về cao hơn. Vì vậy, nhu cầu sản xuất và đầu tư thêm nguồn lực để cho ra hàng hoá cũng nhiều hơn. Lúc đó, lượng cung tăng lên.
Ngược lại, khi giá cả hàng hoá, dịch vụ giảm đi thì lợi nhuận người bán thu về thấp hơn. Lúc đó, doanh nghiệp cần cắt giảm nhân lực, nguồn lực, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc ngừng sản xuất. Vì vậy, lượng cung giảm dần.
Có thể thấy, giá cả hàng hoá mối quan hệ tỷ lệ thuận với lượng cung trên thị trường.
Giá cả yếu tố đầu vào
Để sản xuất hàng hoá, dịch vụ thì người cung ứng cần phải sử dụng nhiều yếu tố đầu vào. Đơn cử như trang thiết bị, máy móc, người lao động, nguyên vật liệu, nhà xưởng, cơ sở sản xuất,…
Khi giá của các yếu tố đầu vào tăng lên tạo nên sức ép cho người cung cấp hàng hoá. Vì chi phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm sẽ tăng lên dựa trên các yếu tố sản xuất ra hàng hoá đó. Người cung cấp nhận được một khoản lợi nhuận thấp hơn. Do đó, người sản xuất quyết định cắt giảm sản lượng và lượng cung giảm dần.
Ngược lại, giá các yếu tố đầu vào giảm thì chi phí để sản xuất ra một đơn vị hàng hoá giảm đi. Người cung cấp hàng hoá sẽ nhận được một khoản lãi cao hơn. Lúc đó, nhà sản xuất quyết định nâng cao sản lượng để thu được nhiều lãi hơn và lượng cung tăng dần.
Chính vì thế, giá cả yếu tố đầu vào để sản xuất hàng hoá có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với lượng cung hàng hoá trên thị trường.
Công nghệ
Sự phát triển về công nghệ và ứng dụng công nghệ trong sản xuất cũng là yếu tố tác động đến lượng cung ứng sản phẩm trên thị trường. Việc sử dụng công nghệ hiện đại khi sản xuất hàng hoá, dịch vụ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi đó, giá bán của một đơn vị hàng hoá tăng lên và doanh nghiệp sẽ sản xuất được nhiều sản phẩm hơn.
Ngược lại, khi sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ kỹ thì doanh nghiệp cần nhiều thời gian, nguồn lực và chi phí để sản xuất một đơn vị hàng hoá. Khi đó, chi phí để cho ra một sản phẩm tăng cao và giảm khoản lãi mà doanh nghiệp nhận được. Vì vậy, doanh nghiệp cần giảm bớt quy mô sản xuất và giảm hàng hoá cung ứng cho thị trường.
Chính vì thế, ứng dụng công nghệ hiện đại có tỷ lệ thuận với lượng cung hàng hoá trên thị trường.
Kỳ vọng
Lượng sản phẩm mà người sản xuất cung ứng ra thị trường cũng bị ảnh hưởng một phần vào kỳ vọng tương lai. Ví dụ, nếu dự kiến giá bán sản phẩm tăng lên trong thời gian tiếp theo thì nhà cung ứng sẽ tạo ra sự kham hiếm hàng hoá trên thị trường. Khi đó, người mua hàng sẵn sàng trả ra mức giá cao hơn để sở hữu hàng hoá. Điều này làm giảm lượng cung hàng hoá trên thị trường. Kỳ vọng tương lai có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với lượng cung trên thị trường.
Chính sách Chính phủ
Chính sách Chính phủ có tác động tương đối lớn đến với lượng cung hàng hoá trên thị trường nhằm điều tiết và ổn định nền kinh tế chung. Cụ thể, khi mức thuế tăng cao thì chi phí sản xuất tăng lên khiến thu nhập của người sản xuất bị giảm đi. Từ đó, doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất và làm giảm lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường.
Ngược lại, khi Chính phủ có những chính sách ưu đãi về thuế thì thu nhập doanh nghiệp tăng lên. Nhà sản xuất sẵn sàng sản xuất nhiều hàng hoá hơn. Từ đó, gia tăng lượng cung hàng hoá trên thị trường.
Kết luận
Cung được hiểu là sản lượng hàng hoá, dịch vụ mà nhà cung ứng sẵn sàng bán và có ý muốn bán cho người mua trên thị trường. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cung thị trường. Trong đó có 5 yếu tố chính là giá cả hàng hoá, giá yếu tố đầu vào, kỳ vọng, chính sách chính phủ và công nghệ. Hy vọng với những chia sẻ Công ty CP Giao dịch Hàng hoá Đông Nam Á (SACT) trên đây đã giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về khái niệm cung là gì để đưa ra nhiều quyết định đầu tư chính xác hơn trong tương lai.