Logo SACT

(094) 543 5430
support@hanghoaphaisinh.com

CT36A, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội

TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH HÀNG HÓA TẬP TRUNG


Thị trường giao dịch hàng hóa hay dù là bất cứ thị trường nào đều yêu cầu nhà đầu tư, trước khi tham gia, cần có cái nhìn tổng quan về thị trường đó, hiểu rõ đặc thù, vai trò của từng đối tượng trong thị trường,…Bởi sẽ không có một nhà đầu tư nào có thể trở thành người chiến thắng trên thị trường nếu không nắm rõ từ những điều cơ bản đó. Hiểu được tâm lý của các nhà đầu tư, đội ngũ SACT đã biên soạn lại 1 phần của cuốn sách “Kiến thức cơ bản về giao dịch hàng hóa”. Mong rằng đây sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà đầu tư.

Khái niệm

Khái niệm “Sở giao dịch hàng hóa” từ trước đến nay vẫn được hiểu là một địa điểm họp chợ có tổ chức, tại đó các sản phẩm niêm yết được các thành viên mua, bán theo những quy định nhất định về phương thức, thời gian và địa điểm cụ thể. Trong đó, các thành viên chính là các nhà môi giới hoặc người kinh doanh hàng hóa cho chính mình tham gia giao dịch trên sở hoặc thông qua hệ thống đã được điện toán hóa.

Mô hình Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam
Mô hình vận hành thị trường Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam

Sở giao dịch hàng hóa là thị trường được thực hiện tại một địa điểm tập trung hoặc thông qua hệ thống máy tính. Các sản phẩm được niêm yết giao dịch thông thường là hàng hóa của các công ty lớn, có danh tiếng và đã qua thử thách trên thị trường, đáp ứng được các tiêu chuẩn niêm yết (bao gồm các tiêu chuẩn định tính và định lượng) do sở giao dịch hàng hóa quy định.

Lịch sử phát triển của thị trường hàng hóa gắn liền với sự ra đời và phát triển của sở giao dịch hàng hóa từ buổi sơ khai ban đầu. Hoạt động của sở với phương thức giao dịch thủ công (bảng đen, phấn trắng) diễn ra trên sàn giao dịch vật lý (on floor), sau này có sự trợ giúp của máy tính (bán thủ công). Ngày nay, hầu hết các thị trường hàng hóa mới nổi đã điện toán hóa hoàn toàn, hầu như không sử dụng sàn giao dịch vật lý (off floor).

Hình thức sở hữu

Trên thế giới, sở giao dịch hàng hóa thường được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, trong đó có hai hình thức sở hữu phổ biến, đó là:

  • Hình thức sở hữu có sự tham gia vốn của nhà nước: Theo mô hình này, chính phủ hoặc một cơ quan của chính phủ đứng ra thành lập, sở hữu toàn bộ vốn và quản lý sở giao dịch hàng hóa. Ưu điểm của mô hình này là nhà nước có thể can thiệp kịp thời để giữ cho thị trường được hoạt động ổn định trong những trường hợp cần thiết. Sau một thời gian, Nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hóa, không nắm giữ quyền chi phối nhưng vẫn tham gia góp vốn.

Ví dụ: Tại Hàn Quốc, sở giao dịch hàng hóa được thành lập năm 1956. Tuy nhiên, vì một số lý do liên quan đến hoạt động của thị trường, năm 1963 Nhà nước đứng ra nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn cho đến năm 1988. Sau năm 1988, Chính phủ Hàn Quốc tiến hành cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần nhưng không nắm quyền chi phối.

  • Hình thức sở hữu tư nhân: Sở giao dịch hàng hóa được tổ chức dưới hình thức một công ty cổ phần, trong đó cổ đông góp vốn bao gồm: các thành viên thị trường; ngân hàng; công ty tài chính; công ty bảo hiểm,…Mô hình này có ưu điểm là toàn bộ các yếu tố cung cầu do thị trường quyết định, không có sự can thiệp của Nhà nước. Các quốc gia áp dụng mô hình này tiêu biểu cho nền kinh tế thị trường tự do hóa như: Mỹ, Anh và Hồng Kông (Trung Quốc).

Quản lý nhà nước đối với thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh

Thị trường Mỹ

Tại Mỹ, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa kỳ hạn (Commodity Futures Trading Commission – CFTC) là một cơ quan liên bang độc lập Mỹ, được thành lập bởi quốc hội, tuân theo Đạo luật Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn (The Commodity Futures Trading Commission Act) năm 1974.

CFTC hoạt động dựa khuôn khổ luật pháp trong Đạo luật giao dịch hàng hóa (The Commodity Exchange Act – CEA). Với mục tiêu thúc đẩy thị trường kỳ hạn tiêu chuẩn cạnh tranh và hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ các nhà giao dịch chống lại sự thao túng, lạm dụng và gian lận, CFTC thực hiện chức năng giám sát các thị trường phái sinh, các tổ chức thực hiện giao dịch hoán đổi, trung tâm thanh toán bù trừ, cơ sở dữ liệu giao dịch hoán đổi, môi giới giao dịch hoán đổi, thành viên kinh doanh, các quỹ giao dịch hàng hóa và các trung gian khác.

Hiệp hội kỳ hạn quốc gia (National Futures Association – NFA) là tổ chức quản lý và cấp phép các đối tượng chuyên nghiệp tham gia thị trường giao dịch phái sinh tại Mỹ dưới sự giám sát của CFTC. Được khởi tạo năm 1976, NFA bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1982, mục tiêu chính của NFA là bảo vệ tính toàn vẹn của thị trường phái sinh, bảo vệ các nhà giao dịch và đảm bảo các thành viên đáp ứng các trách nhiệm pháp lý của họ. Một số nhiệm vụ chính của Hiệp hội bao gồm:

  • Đăng ký và Quản lý Thành viên: Đạo luật giao dịch hàng hóa (CEA) yêu cầu các công ty và cá nhân thực hiện giao dịch trên thị trường phái sinh phải đăng ký với CFTC. Các quy định của CFTC cũng yêu cầu các công ty đã đăng ký CFTC phải là thành viên của NFA. Đồng thời, NFA được CFTC giao trách nhiệm thực hiện đăng ký cho các công ty muốn trở thành thành viên.
  • Ban hành các quy định: NFA là tổ chức quản lý, do đó NFA xác định các phương pháp tốt nhất cho thị trường trong một số lĩnh vực nhất định và áp dụng phương pháp đó cho toàn thị trường.
  • Thực thi quy định: Để thực thi các quy định, NFA thực nghiện các biện pháp kỷ luật đối với các thành viên khi thành viên có sai phạm.
  • Giải quyết tranh chấp: NFA giúp khách hàng và thành viên giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng kỳ hạn và các vấn đề về ngoại hối.
  • Bảo vệ nhà giao dịch: NFA cung cấp đa dạng các nguồn lực để giúp các nhà giao dịch thực hiện thẩm định trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
  • Cung cấp các chương trình đào tạo: NFA cung cấp chương trình đào tạo cho các nhà quản lý, các sở giao dịch và các tổ chức quản lý trên khắp thế giới.
  • Quản lý thị trường: NFA cung cấp các dịch vụ quản lý cho các sở giao dịch hàng hóa và các tổ chức thực hiện giao dịch hoán đổi – các đơn vị đó có trách nhiệm quản lý, giám sát các kỳ trội giao dịch trên nền tảng họ.
  • Đào tạo thành viên: NFA đào tạo, trang bị kiến thức cho thành viên, từ đó giúp thành viên hiểu trách nhiệm pháp lý của họ.

Thị trường Trung Quốc

Tại Trung Quốc, thị trường giao dịch hàng hóa được quản lý bởi Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (China Securities Regulatory Commission – CSRC). Đây là cơ quan cấp Bộ và trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc.

CSRC thực hiện các chức năng quản lý và giám sát đối với thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa kỳ hạn Trung Quốc nhằm duy trì trật tự trên thị trường hàng hóa và thị trường chứng khoán, đồng thời đảm bảo hoạt động hợp pháp của thị trường vốn (Thị trường kỳ hạn tại Trung Quốc là các thị trường tập trung giao dịch hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn và hợp đồng quyền chọn đối với hàng hóa). Ngoài ra, CSRC cũng thực hiện việc kiểm tra và phê duyệt năng lực của các tổ chức hoạt động trên thị trường hàng hóa và thị trường chứng khoán, điều tra xử phạt các hành vi vi phạm quy định liên quan đến chứng khoán và hợp đồng kỳ hạn.

Bên cạnh đó, Hiệp hội kỳ hạn Trung Quốc (China Futures Association – CFA) cũng là một tổ chức quản lý lĩnh vực giao dịch kỳ hạn tại Trung Quốc. CFA được thành lập vào năm 2000 theo quy định về đăng ký và quản lý các Tổ chức Xã hội và chịu sự giám sát và quản lý của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Bộ Dân sự Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

CFA thực hiện vai trò là cầu nối giữa chính phủ và hoạt động giao dịch kỳ hạn nhằm phục vụ và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các thành viên. Đồng thời, CFA đảm bảo minh bạch của thị trường kỳ hạn nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng trong các giao dịch kỳ hạn, bảo vệ lợi ích của nhà giao dịch và thúc đẩy sự phát triển của thị trường kỳ hạn.

Thị trường Singapore

Thị trường giao dịch hàng hóa tại Singapore đang hoạt động tuân theo Đạo luật giao dịch hàng hóa (Commodity Trading Act – CTA) và Đạo luật Chứng khoán và Kỳ hạn (Securities and Futures Act – SFA).

Hiện nay, CTA và SFA được kiểm soát bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore – MSA).

MAS đóng vai trò là cơ quan quản lý tài chính và ngân hàng trung ương của Singapore, thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy hệ thống tài chính minh bạch, chuyên nghiệp thông qua việc giám sát chặt chẽ các tổ chức tài chính tại Singapore bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, trung gian trên thị trường vốn, công ty tư vấn tài chính, các sở giao dịch hàng hóa và sở giao dịch chứng khoán. Đồng thời, MAS chịu trách nhiệm cho việc thị trường tài chính hoạt động hiệu quả, minh bạch, chuyên nghiệp và cung cấp kiến thức cho các nhà giao dịch. Ngoài ra, MAS cũng hợp tác với các đối tác trong ngành tài chính với mục tiêu đưa Singapore trở thành một trung tâm tài chính quốc tế năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ và nâng cao các kỹ thuật sử dụng trong ngành tài chính.

Thị trường Việt Nam

Thị trường giao dịch hàng hóa tập trung tại Việt Nam cũng được quy định rõ thuộc Bộ Công Thương quản lý. Việc cấp, rút giấy phép sở giao dịch hàng hóa được Bộ Công Thương thực hiện. Các mặt hàng giao dịch trên thực tế đều nằm trong danh sách các mặt hàng đã đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận theo quy định pháp luật hiện hành.

Các sở giao dịch hàng hóa không được phép thực hiện niêm yết các mặt hàng mà không được sự chấp thuận của Bộ Công Thương. Ngoài những mặt hàng cơ bản, các mặt hàng giao dịch có điều kiện cũng được thực hiện theo quy trình cấp phép phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, việc các thành viên kinh doanh được phép cung ứng và giao dịch các mặt hàng kinh doanh có điều kiện cũng phải tuân theo các yêu cầu và quy định chặt chẽ của sở giao dịch hàng hóa.

Vai trò của sở giao dịch hàng hóa đối với thị trường giao dịch hàng hóa cần tập trung

Thiết lập giá

Mức giá được thiết lập trên thị trường mở có thể mô tả chính xác tình hình cung, cầu phổ biến trên các thị trường hàng hóa cơ bản, cho dù là trên thị trường giao ngay cho các đợt giao hàng hiện tại hay trên thị trường kỳ hạn để giao hàng vào những thời điểm cụ thể trong tương lai. Do đó, sở giao dịch hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thị trường chính xác, minh bạch, đảm bảo rằng tín hiệu định giá thị trường kích hoạt các quyết định sản xuất, mua hàng và đầu tư hiệu quả của những người tham gia trong lĩnh vực này. Việc tham khảo giá sẵn có trên thị trường sẽ đem lại lợi ích cho người nông dân khi có sự tham gia của các bên trung gian.

Ở cấp độ vi mô, tính sẵn có của thông tin giá cả thị trường cho phép người sản xuất nhận biết xu hướng giá. Điều này giúp họ quyết định thời điểm tối ưu để đưa hàng hóa ra thị trường. Tuy nhiên, quan trọng cần lưu ý là người nông dân không chỉ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thông tin mà còn cả kho lưu trữ và tài chính, để có sự lựa chọn hiệu quả về thời điểm đưa hàng hóa ra thị trường.

Chức năng xác định giá cả công bằng là cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra một thị trường liên tục. Giá cả không do sở giao dịch hàng hóa hay thành viên sở giao dịch hàng hóa áp đặt mà được sở giao dịch hàng hóa xác định dựa trên cơ sở so khớp các lệnh mua và bán hàng hóa. Giá cả chỉ được xác định bởi cung – cầu trên thị trường. Qua đó, sở giao dịch hàng hóa mới có thể tạo ra được một thị trường tự do, công khai và công bằng. Hơn nữa, sở giao dịch hàng hóa mới có thể đưa ra được các báo cáo một cách chính xác và liên tục về các hàng hóa, tình hình hoạt động của các thành viên trực thuộc, các báo cáo cam kết thương nhân của các đối tượng giao dịch hàng hóa khác nhau.

Quản lý rủi ro về giá

Người nông dân sẽ phải đối mặt với những rủi ro về giá ngay từ khi họ quyết định bắt đầu trồng cây gì và bất cứ khi nào họ mua, đồng thời sử dụng các nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng lao động phải trả công,…Những rủi ro này ngăn cản họ có những đầu tư quan trọng vào nâng cấp các hoạt động sản xuất, thay vào đó người nông dân sẽ ở trong vòng luẩn quẩn với năng suất và lợi nhuận thấp. Giá cả biến động chính là khó khăn lớn nhất mà bất cứ đối tượng nào trong thị trường giao dịch hàng hóa cần đặc biệt quan tâm.

Sở giao dịch hàng hóa cung cấp các giải pháp quản lý rủi ro về giá bằng cách cung cấp giao dịch trong các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn và hợp đồng quyền chọn. Những công cụ này sẽ giải quyết được những bất cập của thị trường khi Nhà nước không trực tiếp can thiệp vào các hoạt động kinh doanh và khi các đối tượng tham gia thị trường phải đối mặt với những biến động của giá ngày càng phức tạp.

Việc sử dụng các công cụ để phòng vệ biến động giá hàng hóa mang lại sự ổn định dài hạn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại hàng hóa, cho phép các nhà giao dịch mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo phát triển bền vững, Biến động giá ngắn hạn có thể bất thường và không dự đoán trước được, nhưng nhờ có công cụ bảo hiểm giá, các nhà sản xuất có tầm nhìn vẫn phân tán được các rủi ro và chủ động điều chỉnh, đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh. Lợi ích từ hoạt động trên thị trường giao dịch kỳ hạn sẽ bù đắp các tổn thất do biến động giá hàng hóa vật chất, qua đó lợi ích tổng thể được đảm bảo.

Kênh đầu tư của nền kinh tế

Trong những năm gần đây, thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh qua sở giao dịch hàng hóa đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể. Đóng góp sự tăng trưởng trên là do việc thu hút các đối tượng tham gia thị trường hàng hóa vật chất. Tuy nhiên, các nhà giao dịch tham gia thị trường với khối lượng lớn hơn nhờ việc giá hàng hóa tăng và sự không ổn định của thị trường.

Sở giao dịch hàng hóa tạo ra nhiều lợi ích, là địa điểm được tổ chức dành cho hoạt động đầu tư.

Thứ nhất, trung tâm thanh toán bù trung tâm thành loạn trừ của sở giao dịch hàng hóa hoạt động như một đối tác dành cho tất cả giao dịch, giảm rủi ro vỡ nợ và tạo ra môi trường đầu tư an toàn và tin cậy.

Thứ hai, các quy định của sở giao dịch hàng hóa, luật định và thủ tục của Chính phủ kết hợp với những người xây dựng quy định và các đơn vị trung gian cung cấp một nền tảng pháp lý, theo đó, các hoạt động đầu tư có thể tăng lên và các tranh chấp có thể được hòa giải, xử lý.

Thứ ba, lợi ích của hoạt động đầu cơ tạo ra tính thanh khoản giúp hoạt động bảo hiểm rủi ro đạt hiệu quả.

Hỗ trợ giao dịch hàng hóa vật chất

Các đối tượng tham gia thị trường mới hoặc chưa có kinh nghiệm tham gia thị trường đối mặt với ba yếu tố không chắc chắn:

  1. Có thể thực hiện mua hoặc bán hàng hóa khi cần.
  2. Đối tác có thực hiện đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng.
  3. Hàng hóa khi nhận có đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu. Sở giao dịch hàng hóa có thể đáp ứng các yếu tố  trên như là một phương án cuối của kênh giao hàng. Mặc dù phần lớn các hợp đồng kỳ hạn, thường không dẫn đến giao hàng vật chất, nhưng năng lực thực hiện giao hàng hóa của sở sẽ đảm bảo các đối tượng tham gia thị trường có một kênh để thực hiện mua bán hàng hóa vật chất. Hơn nữa, sở giao dịch hàng hóa được coi là trung âm của các đối tượng tham gia thị trường sẽ đưa ra các điều kiện cụ thể tại hợp đồng niêm yết, do vậy, sẽ tạo niềm tin cho các đối tượng tham gia thị trường khi thực hiện mua, bán cacs loại hợp đồng

Hỗ trợ tài chính cho các đối tượng tham gia giao dịch

Phương thức sử dụng chứng chỉ gửi hàng được sử dụng như một  loại ký quỹ là mô hình dễ dàng ứng dụng nhất để thu hút nguồn tài chính trong thực hiện giao dịch. Chứng chỉ kho hàng mang lại cho các nhà tài chính khoản ký quỹ an toàn với tính thanh khoản cao. Sở giao dịch hàng hóa cung cấp cho các nhà tài chính cơ chế để xác định giá trị khoản ký quỹ nhằm thực hiện bảo hiểm rủi ro do sự biến đổi về giá trị và làm tăng tính thanh khoản của khoản ký quỹ. Sở giao dịch hàng hóa có thể tăng mức độ an toàn trong quá trình xử lý thông qua việc định giá đối với sản phẩm vật chất được lưu trữ. Các yếu tố phụ thuộc trong mô hình này bao gồm khả năng giao dịch của chứng chỉ kho, hệ thống các đơn vị quản lý kho và ký quỹ đáng tin cậy và sự chấp nhận ngân hàng tham gia thị trường kỳ hạn.

Một phương thức khác để lựa chọn, đó là sở có thể hỗ trợ các nhà sản xuất tiếp cận trực tiếp tài chính hàng hóa thông qua các nhà giao dịch tại thị trường vốn. Công cụ là các thỏa thuận được mua lại trao đổi, giao dịch và thường gọi là “repos”.

Phương thức thứ ba để các đối tượng tham gia kinh doanh hàng hóa nhằm tìm kiếm nguồn tài chính thông qua nghiệp vụ arbitrage giao ngay. Việc sử dụng nghiệp vụ arbitrage giao ngay sẽ thiết lập lại giá ở mức được cân bằng bởi các yếu tố cơ bản của thị trường.

Cuối cùng, có nhiều cách để tạo mối liên hệ giữa tài chính và quản lý rủi ro về giá trong các thỏa thuận tài chính, cũng như trong các hợp đồng giao dịch hàng hóa vật chất. Cách thức thứ nhất là mối liên kết giữa điều kiện thanh toán các khoản vay nợ của người sản xuất hàng hóa với giá của một hàng hóa cụ thể có thể sử dụng các công cụ phái sinh. Trong trường hợp giá giảm, người sản xuất sẽ trả lãi ít hơn và ngược lại. Cách thức thứ hai là khi người xuất khẩu và người mua thỏa thuận mức giá cố định đối với một khối lượng hàng hóa định sẵn.

Hỗ trợ phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tập trung

Sở giao dịch hàng hóa tạo ra thị trường mà tại đây, người mua và bán các hợp đồng được niêm yết bởi. Điều này giúp tiết kiệm chi phí tìm kiếm khách hàng đối với người mua hoặc người bán.

Vai trò trên còn được phát huy trong bối cảnh thực hiện các giao dịch quốc tế. Chi phí thực hiện mua bán các hợp đồng quốc tế có xu hướng lớn hơn so với mua bán trong nước và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như khoảng cách, thông tin bất đối xứng, các hàng rào thuế quan, sự khác biệt tập quán kinh doanh, ngôn ngữ và văn hóa. Vì vậy, sở giao dịch hàng hóa đóng vai trò là một trung tâm để tiến hành giao dịch xuyên biên giới, thiết lập liên kết giữa các đối tượng tham gia ngành sản phẩm có môi trường pháp lý khác nhau, qua đó khuyến khích giao dịch quốc tế.

Chất lượng của sở giao dịch hàng hóa không chỉ đơn giản là hiệu quả kinh tế tài chính mà còn bao gồm các chỉ tiêu phản ánh mức độ tác động đến hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành hàng và phát triển nền kinh tế bao gồm: xác định và điều tiết giá các mặt sản phẩm trên thị trường (cả thị trường giao ngay và thị trường kỳ hạn), thu hút được vốn của nền kinh tế tham gia đầu tư; có tác động đến sự phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hành vi giao dịch của các đối tượng kinh doanh ngành hàng.

Leave a Comment

Về chúng tôi

Giới thiệu về SACT

Chính sách điều khoản

Chính sách bảo mật

Tin tuyển dụng

Site map

Hotline: 024-7304-8884

support@hanghoaphaisinh.com

Liên hệ

Công ty CP Giao dịch Hàng hoá Đông Nam Á (SACT)

Thành viên kinh doanh chính thức của Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam (MXV)

Trụ sở chính: CT36A, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội.

CN HN1: 25 Sunrise B , The Manor Central Park, Hoàng Mai, Hà Nội

CN Hồ Chí Minh: Tầng 2, số 75 Hoàng Văn Thụ, Phường 15, Q. Phú Nhuận, TPHCM