Trong quá trình giao dịch hàng hóa, để đảm bảo thị trường vận hành trơn tru, sẽ có những yêu cầu bắt buộc đối với các nhà đầu tư trong một số trường hợp nhất định. Mà cụ thể ở đây chính là các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện giao dịch. Do vậy, nhà đầu tư cần nắm vững về tất cả các nghĩa vụ này để có thể giao dịch thông minh, hiệu quả.
Tỷ lệ ký quỹ
Đây là chỉ báo để xác định tình trạng ký quỹ của tài khoản giao dịch, dựa vào kết quả giao dịch và thông tin thị trường được hiển thị thời gian thực. Để theo dõi tỷ lệ ký quỹ này, nhà đầu tư có thể sử dụng các hệ thống phần mềm theo dõi tài khoản giao dịch.
- Tỷ lệ ký quỹ = Giá trị ròng ký quỹ/Mức ký quỹ yêu cầu
- Trong đó: Giá trị ròng ký quỹ = Số dư đầu phiên trên tài khoản + Nộp rút trong phiên + Lãi lỗ thực tế + Lãi lỗ dự kiến – Phí giao dịch – Phí khác
- Mức ký quỹ yêu cầu = Khối lượng vị thế x Ký quỹ ban đầu x Hệ số ký quỹ
Trong đó, lãi lỗ thực tế phát sinh từ việc tất toán vị thế cùng loại hợp đồng.
Và lãi lỗ dự kiến là đánh giá vị thế theo giá trị thị trường (mark to market). Nếu kết thúc phiên thì lãi lỗ dự kiến là đánh giá vị thế theo giá thanh toán, hoặc giá cuối phiên (nếu không có cơ chế giá thanh toán).
Thông thường nếu tỷ lệ ký quỹ < 100% có nghĩa, giá trị ròng ký quỹ không đủ để bù đắp mức ký quỹ yêu cầu và sẽ phát sinh nghĩa vụ nộp bổ sung ký quỹ bắt buộc.
Nếu tỷ lệ ký quỹ >100% có nghĩa, giá trị ròng ký quỹ đủ để bù đắp phần ký quỹ yêu cầu và có dư.
Yêu cầu bổ sung ký quỹ
Khi số tiền trong tài khoản của khách hàng nhỏ hơn mức ký quỹ duy trì, một trong số các trường hợp sau sẽ xảy ra:
Nhà đầu tư bị yêu cầu bổ sung ký quỹ để đưa tổng số tiền trong tài khoản về mức ký quỹ ban đầu.
Nghĩa vụ bổ sung ký quỹ sẽ được thông báo trong báo cáo sao kê giao dịch hàng ngày. Nhà đầu tư cần lưu ý đọc kĩ và có phương án khi phát sinh nghĩa vụ gọi ký quỹ này. Các điều khoản liên quan đến hợp đồng về nghĩa vụ đảm bảo ký quỹ là rất rõ ràng, cần đọc và hiểu rõ một cách đầy đủ tính chất của giao dịch và nghĩa vụ đảm bảo ký quỹ là hai vấn đề thường trực đi theo trong suốt chặng đường giao dịch bất cứ khi nào phát sinh vị thế mở.
Nghĩa vụ tài chính khác
Trong giao dịch chỉ số, khái niệm “cháy tài khoản” hay tiền trên tài khoản giao dịch về 0 rất phổ biến. Vì các giao dịch này là không có thực, nên giao dịch chỉ số như là một cuộc đánh cược và cuộc đánh cược sẽ chấm dứt khi một bên hết tiền. Khi nhà cung cấp không có tiền trả, giao dịch chấm dứt. Khi khách hàng hết tiền giao dịch trên hệ thống, giao dịch chấm dứt.
Nhưng trong giao dịch phái sinh hàng hóa, cũng như giao dịch phái sinh chứng khoán, hoặc giao dịch chứng khoán cơ sở có sử dụng đòn bẩy (margin), sẽ không có khái niệm “cháy tài khoản”, mà là tồn tại khái niệm khả năng “âm ký quỹ” có nghĩa là biến động tiêu cực của thị trường có khả năng tạo ra rủi ro không những mất toàn bộ số tiền của khách hàng, mà còn có thể tạo ra thua lỗ vượt qua mức này, khiến cho tài khoản phát sinh nghĩa vụ tài chính với công ty cung cấp dịch vụ.
Ví dụ: Với tài khoản 500,000,000 VND, đòn bẩy của sản phẩm là 10% (tương đương 1:10), giả sử toàn bộ số tiền trên dùng để giao dịch mở vị thế mua, thì khi thị trường biến động giảm 12%, khi đó, tài khoản ký quỹ khách hàng bị giảm đi: 12% x 10 = 120%. Lúc này, giá trị ròng ký quỹ của tài khoản giao dịch sẽ thành: 500,000,000 x (100% – 120%) = -100,000,000 VND.
Do đó, khi tất toán ở thời điểm này, theo nghĩa vụ phát sinh, khách hàng bắt buộc phải nộp bổ sung 100,000,000 VND cho thành viên kinh doanh.
Nghĩa vụ cung cấp thông tin và khai báo theo yêu cầu của Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn (CFTC) và Sở giao dịch hàng hóa quốc tế có liên thông
Biểu mẫu 102 (Form 102)
Khi vị thế mở của khách hàng chạm các mức ký quỹ báo cáo được quy định bởi các Sở giao dịch hàng hóa quốc tế, hoặc cơ quan quản lý chính phủ của quốc gia và luật điều chỉnh tại nơi mà sở giao dịch hàng hóa có trụ sở.
Các nhà cung cấp dịch vụ phải có nghĩa vụ khai báo Form 102 cho tài khoản, đặc biệt hàng ngày mỗi khi phát sinh vị thế vượt các mức yêu cầu báo cáo.
Biểu mẫu 40 (Form 40)
Form 40 là biểu mẫu áp dụng trên thị trường Mỹ, được gửi thẳng từ CFTC, yêu cầu cung cấp các thông tin của người giao dịch trên cổng thông tin điện tử của họ.
Các yêu cầu này sẽ được gửi vào email của khách hàng, đi kèm là nghĩa vụ phải thực hiện trong hạn định, nếu không sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc vì chậm trễ, không khai báo hoặc khai báo không đầy đủ, sai thông tin.
Các trường hợp khác
Trong một số trường hợp, khi Sở giao dịch hàng hóa và cơ quan quản lý như CFTC có quyền yêu cầu trình báo, thẩm tra các cá nhân/ dịch có hành vi nghi vấn vi phạm các quy tắc và quy tổ chức giao định của thị trường hiện hành. Khi đó, người giao dịch phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chấp hành các yêu cầu khi nhận được như yêu cầu giải trình hoặc thẩm vấn.
Hầu như tất cả các thông tin này đều được ghi Bảo mật mức tối cao (“High confidential”) và không bị tiết lộ thông tin cho đến khi có phán quyết cuối cùng. Nhà giao dịch cần khai báo thành khẩn, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, trung thực và kịp thời. Cũng như thành viên kinh doanh phải có trách nhiệm đôn đốc, phối hợp vô điều kiện khi được yêu cầu. Điều cần làm trong trường hợp này đối với nhà giao dịch là tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà giao dịch chuyên nghiệp, những người có kinh nghiệm đứng đầu lĩnh vực này, bao gồm cả các luật sư trong nước và quốc tế am hiểu để tránh các sai sót trong quá trình thẩm tra và bảo vệ, tối ưu quyền lợi của mình.