Từ trước đến nay, chúng ta đều biết đến vàng như “tài sản trú ẩn” mỗi khi xảy ra các vấn đề biến cố chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa trên thế giới. Tuy nhiên, nếu so sánh với các danh mục hàng hóa khác thiết thực hơn trong cuộc sống, chúng ta sẽ có cái nhìn phù hợp hơn rằng, hàng hóa không phải chỉ là mặt hàng đầu tư, mà biến động giá các mặt hàng phản ánh các khu vực khác nhau tạo ra bức tranh tổng thể nền kinh tế. Như mặt hàng cà phê đại diện cho việc các giao dịch sản phẩm phục vụ tiêu dùng và dịch vụ, hay đồng là thước đo phát triển công nghiệp và công nghệ, hoặc dầu mỏ là đại diện cho nhu cầu giao thương và vận chuyển, hoặc ngô là nông sản dùng nhiều trong thức ăn chăn nuôi… Đồng thời dễ dàng nhận ra biến động giá các hàng hóa cơ bản này lớn hơn rất nhiều mặt hàng vàng. Nói cách khác, đối với những nhà đầu tư thì đây là thị trường hấp dẫn, trong khi đó, đối với nhà phòng vệ giá thì đây là môi trường thuận lợi. Là một thị trường đầy tiềm năng sinh lợi nhuận, thế nhưng với những biến động giá liên tục và lớn, nhà đầu tư cần nắm được những mục cơ bản sau đây để quản trị tài khoản giao dịch của mình:
Một số mặt hàng có khung thời gian giao dịch rộng, như thị trường dầu thô và thị trường giao dịch đồng, hoặc các thị trường giao dịch cà phê có khung thời gian hấp dẫn (khi bắt đầu vào khoảng 15h00 giờ Việt Nam cho đến gần nửa đêm). Trong khi các giao dịch tại Mỹ bắt đầu vào chiều Chủ Nhật, tương đương với sáng Thứ Hai (giờ Việt Nam), thì nhìn chung, khung thời gian của thị trường Việt Nam hay châu Á khá hợp lý. Ngoài ra, trong một ngày có 3 khung thời gian tại Việt Nam: phiên châu Á (sáng), phiên châu Âu (chiều), phiên Mỹ (tối), tương ứng với các mốc thời gian sáng mở phiên của các thị trường khu vực. Thông thường, phiên giao dịch giờ châu Á bao giờ giao dịch cũng không cao, đến phiên châu Âu sôi động hơn, và cao điểm là phiên giao dịch giờ Mỹ (thông thường từ 08h30).
Mức ký quỹ ban đầu
Là số tiền đảm bảo nghĩa vụ thực hiện một hợp đồng giao dịch trên thị trường kỳ hạn. Độ lớn của mức ký quỹ ban đầu được phân bố rộng từ sản phẩm dạng nhỏ (micro hoặc mini size) cho đến các dạng sản phẩm có khối lượng lớn, với các mức khác nhau, và được niêm yết bằng nguyên tệ. Có một thực tế là, rất nhiều mặt hàng được niêm yết ở châu Âu như cà phê Robusta trên Sở liên lục địa ICE phân nhánh châu Âu tại London, nhưng tiền tệ giao dịch của mặt hàng này được sử dụng là đô la Mỹ. Khách hàng nên làm quen bằng giao dịch các mặt hàng có ký quỹ thấp, để trải nghiệm các vấn đề phát sinh trong giao dịch, từ đó học cách quản trị tài khoản giao dịch sao cho đúng. Sau đó gia tăng lượng vị thế mở hoặc tìm những mặt hàng có ký quỹ lớn hơn, hoặc phù hợp hơn với nhu cầu của mình trong phòng vệ cũng như đầu tư.
Các hàng hóa trong danh mục được phép giao dịch
Có rất nhiều hàng hóa trong danh mục được phép giao dịch bao gồm các hàng hóa quốc tế được niêm yết trên các sở giao dịch hàng hóa có liên thông. Đây đều là những mặt hàng phổ biến, được giao dịch rộng rãi trên toàn thế giới. Đồng thời là những mặt hàng có thanh khoản tốt, được lựa chọn theo nhu cầu của thị trường Việt Nam cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi của các đối tượng tham gia thị trường dù ở cấp độ tài chính hay quy mô và khẩu vị giao dịch khác nhau.
Tại Việt Nam, về cơ bản hàng hóa được chia làm 4 danh mục: Năng lượng, nông sản, nguyên liệu công nghiệp, kim loại.
Dưới đây là bảng liệt kê các mặt hàng đang được giao dịch nhiều nhất tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam cùng mức ký quỹ ban hành có hiệu lực đến ngày 23/08/2022.
STT | TÊN HÀNG HÓA | MÃ HÀNG HÓA | NHÓM HÀNG HÓA | SỞ GDHH | KÝ QUỸ BAN ĐẦU |
1 | Ngô | ZCE | Nông sản | CBOT | 83.825.280 |
2 | Ngô mini | XC | Nông sản | CBOT | 16.765.056 |
3 | Gạo thô | ZRE | Nông sản | CBOT | 38.808.000 |
4 | Đậu tương | ZSE | Nông sản | CBOT | 136.604.160 |
5 | Đậu tương mini | XB | Nông sản | CBOT | 27.207.936 |
6 | Dầu đậu tương | ZLE | Nông sản | CBOT | 105.557.760 |
7 | Khô đậu tương | ZME | Nông sản | CBOT | 86.929.920 |
8 | Lúa mỳ | ZWA | Nông sản | CBOT | 102.453.120 |
9 | Lúa mỳ mini | XW | Nông sản | CBOT | 20.490.624 |
10 | Lúa mì Kansas | KWE | Nông sản | CBOT | 105.557.760 |
11 | Cà phê Robusta | LRC | Nguyên liệu công nghiệp | ICE EU | 52.157.952 |
12 | Cà phê Arabica | KCE | Nguyên liệu công nghiệp | ICE US | 279.417.600 |
13 | Ca cao | CCE | Nguyên liệu công nghiệp | ICE US | 58.988.160 |
14 | Đường 11 | SBE | Nguyên liệu công nghiệp | ICE US | 41.715.072 |
15 | Bông sợi | CTE | Nguyên liệu công nghiệp | ICE US | 139.708.800 |
16 | Cao su RSS3 | TRU | Nguyên liệu công nghiệp | OSE | 10.544.400 |
17 | Đường trắng | QW | Nguyên liệu công nghiệp | ICE EU | 56.730.240 |
18 | Cao su TSR20 | ZFT | Nguyên liệu công nghiệp | SGX | 12.418.560 |
19 | Dầu cọ thô | MPO | Nguyên liệu công nghiệp | BMDX | 57.402.000 |
20 | Bạch kim | PLE | Kim loại | NYMEX | 86.929.920 |
21 | Bạc | SIE | Kim loại | COMEX | 232.848.000 |
22 | Bạc mini | MQI | Kim loại | COMEX | 116.424.000 |
23 | Bạc micro | SIL | Kim loại | COMEX | 46.569.600 |
24 | Đồng | CPE | Kim loại | COMEX | 170.755.200 |
25 | Đồng mini | MQC | Kim loại | COMEX | 85.377.600 |
26 | Đồng micro | MHG | Kim loại | COMEX | 17.075.520 |
27 | Đồng LME | LDKZ/CAD | Kim loại | LME | 444.528.000 |
28 | Nhôm LME | LALZ/AHD | Kim loại | LME | 183.456.000 |
29 | Chì LME | LEDZ/PBD | Kim loại | LME | 105.840.000 |
30 | Thiếc LME | LTIZ/SND | Kim loại | LME | 599.901.120 |
31 | Kẽm LME | LZHD/ZDS | Kim loại | LME | 222.264.000 |
32 | Niken LME | LNIZ/NID | Kim loại | LME | 1.048.916.736 |
33 | Quặng sắt | FEF | Kim loại | SGX | 55.883.520 |
34 | Dầu thô Brent | QO | Năng lượng | ICE EU | 331.886.016 |
35 | Dầu thô Brent mini | BM | Năng lượng | ICE SG | 26.502.336 |
36 | Dầu thô WTI | CLE | Năng lượng | NYMEX | 272.079.360 |
37 | Dầu thô WTI mini | NQM | Năng lượng | NYMEX | 133.499.520 |
38 | Dầu thô WTI mico | MCLE | Năng lượng | NYMEX | 26.699.904 |
39 | Khí tự nhiên | NGE | Năng lượng | NYMEX | 384.975.360 |
40 | Khí tự nhiên mini | NQG | Năng lượng | NYMEX | 96.243.840 |
41 | Dầu ít lưu huỳnh | QP | Năng lượng | ICE EU | 418.928.832 |
42 | Xăng pha chế RBOB | RBE | Năng lượng | NYMEX | 357.033.600 |
Biên độ giá trong phiên giao dịch
Một số Sở giao dịch hàng hóa trên thế giới có quy định rõ ràng về biện độ biến động tối đa (Price band) của thị trường trong phiên giao dịch. Hoặc có những quy định để hạn chế các biến động bất thường của thị trường như ngừng thị trường tạm thời (Circuit Breaker hay Interval Price limit Functionality), để giúp các nhà đầu tư quản trị tài khoản của mình dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều thị trường không áp dụng các quy định tương tự.
Thực tiễn cho thấy, việc áp dụng các chính sách hạn chế biến động giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường. Giới hạn biến động giá hàng ngày được thiết kế để giảm thiểu giá tăng giảm thất thường, và ngăn các giao dịch vượt quá biên độ nếu thị trường tiếp tục có xu hướng quá nóng.
Có nhiều cách để xác định các mức giá giới hạn, ví dụ như dựa vào giá thanh toán của ngày phiên hôm trước như cách Sở giao dịch CME đang áp dụng cho mặt hàng nông sản, hoặc giá đóng phiên trước như quy định của Sở giao dịch kim loại London LME.
Trước đây Sở giao dịch hàng hóa LME không áp dụng bất kỳ phương pháp nào để hạn chế biên độ. Tuy nhiên sau sự kiện giá Nickel biến động không tưởng ngày 08/03/2022, LME đã ngay lập tức lần đầu tiên thực hiện việc hủy kết quả giao dịch phiên hôm đó, kết hợp với công bố áp dụng biên độ giá cho các phiên tiếp theo, và gia tăng biên độ giá giới hạn khi các phiên liên tiếp chạm biên độ.
Trường hợp tương tự đối với thị trường nông sản được giao dịch trên CME. Để giúp các nhà đầu tư quản trị tài khoản giao dịch đúng, CME đã quy định biên độ giá hàng ngày (Current Daily Price limit) và biên độ giá mở rộng (Expanded Price limit) cho các mặt hàng.
Điều này có nghĩa gì?
Ví dụ như mặt hàng Ngô CBOT, được công bố biến động giá hàng ngày ±0.5 USD và biến động giá mở rộng ±0.75USD. Điều này có nghĩa, thông thường, khoảng giá thị trường biến động được phép bằng giá thanh toán phiên trước ±0.5USD. Khi thị trường chạm biên độ trần/ sàn, giao dịch trong phiên chỉ được phép tiếp tục nếu giao dịch khớp lệnh trong phạm vi biên độ này. Đến phiên giao dịch tiếp theo, biên độ mở rộng sẽ được áp dụng bằng giá thanh toán phiên trước ±0.75USD. Bất cứ phiên giao dịch liền sau của phiên giao dịch kịch biên độ, đều áp dụng biên độ mở rộng, cho đến khi xuất hiện phiên giao dịch không chạm các mức trần/sàn của biên độ mở rộng, thì phiên giao dịch tiếp theo sẽ được thiết lập lại biên độ giá hàng ngày.
Các phương pháp áp dụng của các sở giao dịch hàng hóa là khác nhau, nhưng khi đã áp dụng, các mức giá trần sàn này không gây nên quá nhiều phiền toái, bị giới hạn quá mức hay số phiên chạm biên độ sẽ không nhiều. Tần suất thị trường xảy ra trường hợp như vậy rất ít lần trong năm. Nhưng khi xảy ra vấn đề này, điều cần quan tâm đặc biệt của các nhà giao dịch là vị thế mở đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến động giá bất thường có thể không tất toán được do không thể khớp lệnh vượt qua biên độ cho phép, do đó cần theo dõi sát vào thời điểm mở phiên giao dịch ngày tiếp theo.
Đòn bẩy ký quỹ
Đòn bẩy ký quỹ như đã miêu tả từ trước, đây là so sánh giữa số tiền đảm bảo nghĩa vụ giao dịch mua bán một hợp đồng hàng hóa tiêu chuẩn và giá trị danh nghĩa của hàng hóa.
Đòn bẩy ký quỹ là cần thiết để hỗ trợ các giao dịch phòng vệ, với chi phí vốn bỏ ra thấp, nhưng có thể phòng vệ cho một lượng tài sản có quy mô lớn hơn nhiều lần. Đây cũng là một trong những cách làm cơ bản để nhà đầu tư quản trị tài khoản.
Đòn bẩy của các hàng hóa được niêm yết bởi các Sở giao dịch hàng hóa rơi vào khoảng từ 5% đến 15% giá trị danh nghĩa của hợp đồng. Ý nghĩa của đòn bẩy là 10% (tương đương 1:10) cho ta hiểu rằng: khi giá của thị trường biến động 5%, thì tài khoản giao dịch có thể biến động tăng giảm mức: 5% x 10 = 50% tài khoản. Thông thường các thị trường có đòn bẩy thấp (5% – 10%) tương đương với hiện trạng tài khoản giao dịch của khách hàng sẽ nhạy cảm trước các biến động của thị trường hơn. Mặc dù yếu tố đòn bẩy là khách quan và khác nhau giữa các thị trường đều tạo ra thay đổi lớn đến giá trị ròng ký quỹ của tài khoản giao dịch. Do đó, với những nhà giao dịch mới chưa có kinh nghiệm, cần có phương pháp quản trị rủi ro tài khoản phù hợp. Nắm vững các vấn đề về đòn bẩy ký quỹ và các thông tin đặc tả sản phẩm, nhà đầu tư có thể ước lượng được mức giá cắt lỗ khi chạm tỷ lệ yêu cầu tất toán vị thế.
Mặc dù đòn bẩy của hàng hóa tương đối cố định và an toàn với các nhà giao dịch, tuy nhiên đối với các nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm giao dịch, họ thường có phương án nắm giữ số tiền trên tài khoản ký quỹ vượt nhiều lần mức ký quỹ yêu cầu (ký quỹ ban đầu) của sản phẩm. Đây được coi là phương pháp quản trị rủi ro thông minh.
Ví dụ ký quỹ ban đầu cho 1 lot cà phê Robusta là 44 triệu VND/hợp đồng, nhưng nhà đầu tư này tin rằng, nên giữ một số tiền khoảng 200 triệu, hơn 2 lần so với kỳ vọng nắm giữ 2 hợp đồng cà phê Robusta của khách hàng, sẽ khiến cho anh ta gia tăng khả năng chịu đựng các biến động ngược chiều của thị trường trước khi đạt được kỳ vọng như yêu cầu. Điều này tương đương với khái niệm “giảm đòn bẩy tự nhiên” để tài khoản ký quỹ giao dịch của người này ít chịu rủi ro nhiều hơn so với việc dùng toàn bộ số tiền của mình để giao dịch.
Sao kê tài khoản hàng ngày
Sao kê tài khoản của khách hàng là bản ghi nhận tổng hợp quá trình giao dịch và kết quả giao dịch cùng các nghĩa vụ tài chính phát sinh có liên quan của khách hàng trong phiên giao dịch liền trước. Sao kê tài khoản gồm các phần chính sau:
- Liệt kê chi tiết giao dịch: Bao gồm các thông tin chi tiết về các giao dịch phát sinh trong phiên của khách hàng như: thời gian giao dịch, số vị thế giao dịch, tên hợp đồng, Sở quốc tế niêm yết sản phẩm, giá giao dịch, đồng thời cũng thể hiện phí giao dịch phải trả.
- Trạng thái đã đóng: Các khoản lãi thực tế được nhận hay các khoản lỗ thực tế phải trả. Các thông tin chi tiết gồm: Thời gian giao dịch, số vị thế tất toán, tên hợp đồng…, giá giao dịch mua, giá giao dịch bán và phần lãi/lỗ thực tế (nguyên tệ).
- Nộp rút tiền ký quỹ: Tại đây thể hiện toàn bộ các khoản tiền khách hàng đã thực hiện nộp và rút trong phiên giao dịch liền trước.
- Trạng thái mở: Phần này khá quan trọng, trạng thái mở cuối phiên liền trước sẽ là căn cứ cho các giao dịch của ngày phiên giao dịch tiếp theo. Phần này cũng nêu chi tiết các thông tin giao dịch còn mở của khách hàng: Ngày mở thế vị thế, số lượng vị thế mua, số lượng vị thế bán, tên hợp Đây đồng, giá giao dịch, giá thanh toán và phần lãi lỗ dự kiến (nguyên tệ).
- Tổng quát thông tin khách hàng: Đây là phần quan trọng nhất của một sao kê, nó thể hiện toàn bộ dòng tiền ký quỹ của khách hàng tại thời điểm kết phiên giao dịch liền trước. Tại đây, khi các chỉ tiêu đã được quy đổi sang đồng VND: Số dư đầu phiên, nộp/ rút trong phiên, các khoản phí (phí giao dịch, thuế phí khác), lãi lỗ thực tế, lãi lỗ dự kiến,… Đặc biệt lưu tâm trong phần này đó là chỉ tiêu tỷ lệ ký quỹ (%), phải nói đây là chỉ tiêu quyết định việc khách hàng phải nộp bổ sung ký quỹ hay không.
Ý nghĩa của sao kê tài khoản
Sao kê tài khoản khách hàng đóng vai trò quan trọng vì đây là căn cứ pháp lý giữa khách hàng, thành viên kinh doanh và Sở giao dịch hàng hóa. Ngoài ra, thông tin giao dịch trên sao kê phiên liền trước cũng sẽ là căn cứ cho thông tin giao dịch của phiên tiếp theo. Do đó, chính khách hàng, thành viên kinh doanh cần kiểm tra, đối chiếu kĩ toàn bộ các thông tin trên sao kê giao dịch để kịp thời thông báo trong trường hợp khách hàng, thành viên kinh doanh có thắc mắc, khiếu nại.