- Tiếp nối đà giảm từ 4 phiên trước đó, giá ngô mở cửa phiên sáng nay trong sắc đỏ và hướng xuống hỗ trợ được thiết lập bởi vùng đáy ngắn hạn vào tháng 12 năm ngoái. Như chúng tôi đã phân tích trong bản tin trước, xét về mặt kĩ thuật, giá ngô đã phá vỡ đường trendline hướng lên và là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng có khả năng sẽ kết thúc. Nếu như thời tiết khô hạn ở Argentina không còn là yếu tố đủ mạnh để thúc đẩy lực mua đối với mặt hàng này thì triển vọng ngô vụ 2 tại Brazil lại đang dần khả quan hơn sẽ tạo áp lực lên giá trong trung hạn.
- Theo Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (IMEA), sự chậm trễ trong việc thu hoạch đậu tương cuối cùng cũng đã ảnh hưởng đến việc gieo trồng ngô. Ở các bang Parana và Mato Grosso do Sul, mưa lớn đang đe dọa sẽ cản trở hoạt động trồng ngô vụ 2 tại hai bang này. Tuy nhiên, dự báo khí tượng chỉ ra rằng Mato Grosso sẽ nhận được lượng mưa trung bình hơn 60 mm trong 60 ngày tới, tạo điều kiện cho các khu vực trong bang phát triển. Vụ ngô thứ 2 tại Brazil còn được gọi là ngô safrinha, ban đầu được gieo trồng ít vì gieo trồng sau vụ đậu tương và trái mùa nên thường phải trả qua khô hạn và sương giá. Năng suất vụ 2 2 sẽ bị hạn chế. Nhìn chung,với dự báo thời tiết ngắn hạn như hiện tại, chúng tôi vẫn đánh giá mùa vụ ngô năm nay của Brazil đang khá thuận lợi.
- Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc cũng vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng kể từ sau khi Chính phủ dỡ bỏ mọi hạn chế đi lại và tuyên bố đại dịch cơ bản đã qua. Các đơn hàng trong báo cáo Export Sales đã giảm 2 tuần liên tiếp và lũy kế thấp hơn tới 40% so với cùng kì năm ngoái. Điều này sẽ càng củng cố đà giảm của giá ngô trong trung hạn.

Nhận định: Bối cảnh cơ bản của ngô đang dần thiên về tác động “bearish” và có thể khiến cho giá mặt hàng này bước vào xu hướng mới. Trong phiên hôm nay, đà giảm có thể được mở rộng và khiến giá ngô phá vỡ khỏi hỗ trợ 637.
- Giá lúa mì tiếp tục đà giảm trong phiên sáng nay sau khi lao dốc về mức thấp nhất trong vòng 13 tháng qua. Các yếu tố xoay quanh triển vọng nguồn cung toàn cầu đang dần nới lỏng chính là nguyên nhân chính lý giải cho việc lúa mì là mặt hàng giảm mạnh nhất trong nhóm nông sản.
- Quay trở lại giai đoạn quý II năm ngoái, giá lúa mì chứng kiến đợt tăng mạnh chủ yếu do chiến tranh làm chuỗi cung ứng từ khu vực Biển Đen bị gián đoạn nên cũng dễ hiểu khi giá lao dốc trở lại sau khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết, lo ngại về nguồn cung được xoa dịu nhờ hoạt động xuất khẩu của Nga được đẩy mạnh và vận tải bằng đường biển từ Ukraine được nối lại. Bên cạnh đó, mùa vụ thuận lợi ở Australia với dự báo sản lượng đạt 37 triệu tấn (mức kỉ lục năm thứ 3 liên tiếp), sản lượng ở Canada đạt 34.7 triệu tấn (mức cao thứ 2 trong vòng 8 năm qua) cũng góp phần tác động “bearish” và khiến giá lúa mì suy yếu xuống sâu dưới mức giá tước khi chiến tranh Biển Đen xảy ra.
- Mùa vụ của Mỹ đang trải qua giai đoạn ngủ đông khá thuận lợi khi không phải trải qua các mô hình thời tiết cực đoan. Tổng diện tích cả vụ đông và vụ xuân dự báo đạt 49.5 triệu mẫu, tăng tới 8.3% so với năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu suy yếu do áp lực lạm phát ảnh hưởng lên nền kinh tế thế giới nên giá lúa mì nên xét về dài hạn trong quý II tới, giá lúa mì thế giới có thể giảm 10 – 15% nữa để quay trở lại vùng giá năm 2020. Còn trong ngắn hạn, Công ty tư vấn nông nghiệp IKAR cho biết, giá FOB đối với lúa mì chứa 12.5% protein từ Biển Đen của Nga đã giảm 3 USD/tấn trong tuần vừa rồi, xuống còn 299 USD/tấn. Theo các nhà phân tích của IKAR, nhu cầu nhập khẩu lúa mì trên thế giới có sự suy yếu, cùng với sự cạnh tranh của lúa mì từ châu Âu và Australia, đã khiến giá lúa mì xuất khẩu của Nga sụt giảm trong tuần trước. Đây cũng là yếu tố tạo áp lực lên giá lúa mì CBOT.

Nhận định: Triển vọng nguồn cung toàn cầu nới lỏng sẽ tiếp tục là yếu tố tạo sức ép lên giá lúa mì trong dài hạn. Bên cạnh đó, việc giá liên tục phá vỡ các hỗ trợ kĩ thuật quan trọng cũng là xác nhận cho việc lực bán đang được đẩy mạnh. Trong phiên hôm nay, giá có thể hướng xuống vùng 690.
Phòng phân tích và tin tức