Trong bối cảnh các thông tin cơ bản đều mang tính “bearish”, giá ngô đã không thể duy trì đà tăng từ hai phiên trước đó. Giá diễn biến giằng co trong suốt phiên giao dịch hôm qua và đóng cửa với mức giảm 0.84%. Triển vọng nguồn cung từ châu Mỹ là nguyên nhân giúp giải thích cho diễn biến giá trong phiên hôm qua.
Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) do USDA công bố sáng sớm hôm qua cho thấy, tỉ lệ ngô đạt chất lượng tốt – tuyệt vời của Mỹ trong tuần từ 22/08 đến 28/08 đạt 54%, giảm 1% so với tuần trước đó và bằng với dự đoán của thị trường. Thời tiết diễn biến thuận lợi hơn trong giai đoạn phát triển cuối cùng của ngô đã giúp tốc độ suy giảm chất lượng chậm lại. Thị trường vẫn kỳ vọng nguồn cung ngô từ Mỹ niên vụ 22/23 bị thắt chặt, nhưng kịch bản này sẽ không quá tồi tệ như lo ngại của các nhà đầu tư sau khi Pro Farmer công bố kết quả khảo sát mùa vụ tại Midwest. Do đó, đà tăng của giá ngô đã chững lại trong phiên hôm qua.
Bên cạnh đó, công ty tư vấn nông nghiệp Datagro cũng đưa ra những dự báo đầu tiên cho vụ ngô 22/23 của Brazil. Theo đó, nước này có thể thu hoạch tổng cộng 120.5 triệu tấn ngô và xuất khẩu tới 40 triệu tấn trong niên vụ tiếp theo. Tuy diện tích gieo trồng ngô vụ 1 sẽ sụt giảm do nông dân trồng nhiều đậu tương hơn để tận dụng lợi thế về giá, sản lượng ngô vụ 1 vẫn sẽ tăng 3% so với năm trước lên mức 25.8 triệu tấn nhờ sự cải thiện về năng suất. Nguồn cung từ Brazil được nới lỏng đã gây sức ép lên giá ngô.

Đối với lúa mì, đây tiếp tục là mặt hàng biến động mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên hôm qua. Giá quay đầu giảm tới 2.67%. Ngoài việc chịu sức ép từ lực bán chốt lời của các nhà đầu tư, giá lúa mì cũng chịu tác động “bearish” bởi những lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua, số liệu việc làm mới tại Mỹ trong tháng 07 cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Điều đó đã củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt để kiềm chế lạm phát, gây ra lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Lo ngại trên đã gây sức ép lên các thị trường tài chính, trong đó có thị trường hàng hóa và khiến giá lúa mì suy yếu.
Phòng phân tích & tin tức