- Kết thúc tuần giao dịch 06/03 – 12/03, gần như bao phủ trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Robusta hợp đồng tháng 05 đảo chiều giảm sau 9 tuần tăng liên tiếp trong khi bông dẫn đầu đà giảm của nhóm do số liệu bán hàng lao dốc.
- Arabica hợp đồng tháng 05 có tuần giao dịch khá giằng co, đóng cửa giá gần như không đổi so với tuần trước khi chỉ giảm nhẹ 0.03%. Một mặt giá nhận hỗ trợ từ số liệu xuất khẩu trong tháng 02 giảm mạnh 35% tại Brazil so với cùng kỳ năm trước cũng như Dollar Index giảm sâu phiên cuối tuần, làm hạn chế lực bán của nông dân. Mặt khác, triển vọng nguồn cung dần tích cực hơn tại các nước cung ứng chính với sản lượng tăng 10% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm 2022 của Colombia và số liệu xuất khẩu tăng 26% trong 9 ngày đầu tháng 03 tại Brazil so với cùng kỳ tháng trước thể hiện việc nông dân nước này đang đẩy mạnh bán hàng trở lại, đặc biệt khi một số vùng sẽ bắt đầu thu hoạch trong vài tuần tới. Điều này giúp cho nguồn cung trở nên nới lỏng hơn và gây sức ép khiến giá biến động mạnh trong tuần nhưng chỉ giảm nhẹ so với tuần trước đó.

- Robusta hợp đồng tháng 05 đảo chiều giảm sau 9 tuần tăng liên tiếp, đóng cửa giá giảm hơn 1%. Tồn kho Robusta trên Sở ICE London trong tuần qua vẫn có sự nới lỏng khi tăng từ 72,890 tấn lên 73,770 tấn, duy trì ở mức cao trong gần 3 tháng.
- Dẫn đầu đà giảm của nhóm trong tuần qua chính là mặt hàng bông với mức giảm hơn 7%. Số liệu bán hàng ròng bông Mỹ sụt giảm 33% trong tuần kết thúc ngày 02/03 với 114,500 kiện, trong đó sự giảm đơn hàng đến từ nước nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc. Điều này cho thấy sự không chắc chắn về nhu cầu tiêu thụ trong khi nguồn cung vẫn được duy trì tốt tại quốc gia cung ứng chính là Mỹ, từ đó gây áp lực lớn khiến giá sụt giảm mạnh.
- Sau 4 tuần tăng liên tiếp, dầu cọ thô đã quay đầu giảm với mức giảm gần 6% trong tuần qua. Măt hàng này chứng kiến tuần giảm giá khá sâu khi chịu sức ép từ cả phía cung avf cầu. Về phía cung, xuất khẩu tại Malaysia giảm 1.99% so với tháng trước xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tháng là 1.11 triệu tấn , trong khia đó ở phía cầu, Ấn Độ cho biết họ đang xem xét nâng thuế nhập khẩu dầu cọ để hỗ trợ nông dân trồng cải dầu đã gây ra lo ngại về nhu cầu tiêu thụ và gây sức ép lên giá.
- Đường 11 hợp đồng tháng 05 ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1.15%. Những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung vẫn chưa thuyên bớt khi không chỉ có Ấn Độ dự báo sản lượng sẽ sụt giảm do ngưng sản xuất sớm mà mới đây Thái Lan cũng công bố thông tin về việc dừng sản xuất đường sớm hơn sự kiến. Cả 2 quốc gia xuất khẩu đường lớn trên thế giới đều cho thấy tính trạng nguồn cung bị thu hẹp đã hỗ trợ giá đường 11 tiếp tục khởi sắc trong tuần qua.
Phòng phân tích và tin tức